Khả năng thay thế đạm bột cá bằng đạm bột rong bún (Enteromorpha sp.) làm thức ăn cho cá kèo (Pseudapocryptes elongatus).
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Thị Thanh Hiền, Trần Lê Cẩm Tú và Trần Ngọc Hải (Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Ảnh minh họa
Trong nuôi trồng thủy sản,
thức ăn là một vấn đề đang được quan tâm và là một trong những yếu tố ảnh hưởng
đến hiệu quả sản xuất do thức ăn chiếm hơn 50% tổng chi phí sản xuất. Bột cá
được xem là nguồn đạm chính trong thức ăn viên, nhưng phần lớn bột cá phải được
nhập khẩu từ nước ngoài với giá ngày càng tăng dẫn đến giá thức ăn thủy sản
ngày càng tăng cao. Điều này gây nhiều khó khăn cho người nuôi thủy sản.
Cá kèo (Pseudapocryptes
elongatus) phân bố nhiều ở vùng nước lợ, mặn và là một trong những đối
tượng nuôi phổ biến có hiệu quả kinh tế cao ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên
cứu khả năng sử dụng rong bún làm nguồn đạm thay thế đạm bột cá trong phối chế
thức ăn viên cho cá kèo là rất cần thiết nhằm góp phần giảm sử dụng bột cá và
khuyến khích sử dụng nguồn rong bún sẵn có tại địa phương giúp các hộ dân nâng
cao thu nhập.
Đề tài đã nghiên cứu đánh
giá khả năng thay thế đạm bột cá bằng đạm bột rong bún (Enteromorpha sp.)
làm thức ăn cho cá kèo (Pseudapocryptes elongatus). Thí nghiệm thực hiện
gồm 6 nghiệm thức với 3 lần lặp lại, nghiệm thức thức ăn đối chứng với nguồn
cung cấp là đạm bột cá, 5 nghiệm thức còn lại có mức đạm bột cá được thay thế
bằng đạm bột rong bún lần lượt là 10%, 20%, 30%, 40% và 50%. Tất cả các loại
thức ăn thí nghiệm có cùng hàm lượng đạm (30%) và lipit (7%). Sau 60 ngày thí
nghiệm, tỉ lệ sống của cá kèo không bị ảnh hưởng bởi nghiệm thức thức ăn, dao
động từ 81,1% đến 88,9%. Khi so sánh nghiệm thức thức ăn đối chứng với các
nghiệm thức có đạm bột rong bún thay thế ở các mức 10%, 20%, 30% và 40% thì sự
khác biệt giữa các nghiệm thức không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) về tốc độ
tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Riêng nhóm cá ở nghiệm thức 10% đạm
bột rong bún đạt tăng trưởng khá, tốt hơn so với nhóm cá ăn thức ăn đối chứng.
Thành phần sinh hóa (hàm lượng nước, protein, tro và phốt pho) của thịt cá kèo
ở tất cả các nghiệm thức tương tự nhau, trừ hàm lượng lipit và canxi ở nghiệm
thức 40% và 50% đạm rong bún thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng. Kết quả
nghiên cứu cho thấy đạm bột rong bún có thể thay thế đến 40% đạm bột cá trong
thức ăn cho cá kèo giống.