SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số xuất xứ Tràm năm gân giàu 1,8-cineole trong tinh dầu và có triển vọng ở Việt Nam

[24/12/2012 09:05]

Nghiên cứu do Lê Đình Khả, Nguyễn Thị Thanh Hường (Viện Cải thiện Giống và Phát triển Lâm sản) và K. Pinyopusarerk (Trung tâm Giống cây rừng Australia) thực hiện.
Ảnh minh họa

Tràm năm gân (M. quinquenervia (Cav.) S.T. Blake) là một trong những loài tràm chủ yếu được trồng để sản xuất tinh dầu giàu 1,8-cineole cùng các loài tràm cajuput (M. cajuputi), Tràm trà (M. alternifolia) và một số loài tràm khác. Tinh dầu tràm giàu 1,8-cineole có tên chung là Cajeput Oil.

Xây dựng các khảo nghiệm xuất xứ mới, trên cơ sở kế thừa kết quả các khảo nghiệm xuất xứ trước đây, là hết sức cần thiết. Trong các năm 2008-2009 ba khảo nghiệm mới đã được xây dựng tại Ba Vì (Hà Nội), Phú Lộc (Thùa Thiên - Huế) và Thạnh Hóa (Long An) nhằm đánh giá đầy đủ giá trị của một số xuất xứ Tràm năm gân và Tràm gió cajuput của ta, chọn ra một số xuất xứ có triển vọng để phát triển vào sản xuất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây tràm trồng khảo nghiệm tại Ba Vì có sinh trưởng chậm hơn rõ rệt so với trồng tại Phú Lộc và Thạnh Hóa; hàm lượng tinh dầu trong lá và tỷ lệ 1,8-cineole trong tinh dầu tăng lên theo tuổi cây. Ở giai đoạn 2 năm tuổi sinh trưởng chiều cao có tương quan tương đối chặt giữa các nơi khảo nghiệm, sinh trưởng đường kính và thể tích thân cây về cơ bản không có tương quan giữa các nơi khảo nghiệm, hàm lượng tinh dầu và tỷ lệ 1,8-cineole có tương quan chặt và rất chặt giữa các nơi khảo nghiệm.

Tràm năm gân là loài có sinh trưởng trung bình đến nhanh, có hàm lượng tinh dầu và thành phần tinh dầu thay đổi theo các xuất xứ, trong đó có một số xuất xứ vừa có sinh trưởng nhanh, vừa có hàm lượng tinh dầu cao và tỷ lệ 1,8-cineole lớn hơn 65%. Tràm gió có xuất xứ Việt Nam sinh trưởng chậm hoặc rất chậm so với Tràm năm gân và có hàm lượng tinh dầu thấp (0,63 – 0,99%) và tỷ lệ 1,8-cineole  rất thấp hoặc thấp (14,3 – 60%).


Tại Ba Vì sau 2 năm, các xuất xứ Q15 (5km West Malam PNG), Q16 (Balimo-Wasu Road PNG) và Q23 (Casino NSW) có hàm lượng tinh dầu 1,19%, 1.09% và 1,14%. Tỷ lệ 1,8-cineole  69,09% và 71,05%, tỷ lệ limonene 3,49% và 0%; sau 3 năm có hàm lượng tinh dầu tương ứng là 1,44%, 1,35% và 1,49%; tỷ lệ 1,8-cineole tương ứng 75,07%, 65,48% và 72,44%.

Tại Phú Lộc ở giai đoạn 2 năm tuổi, xuất xứ Q23 có hàm lượng tinh dầu 1,40%, tỷ lệ 1,8-cineole 73,82%, tỷ lệ limonene 3,03%; xuất xứ Q15 có hàm lượng tinh dầu 1,19%, tỷ lệ 1,8-cineole  67,13%, tỷ lệ limonene 3,35%; xuất xứ Q4 (Ca78 km NE Gympie Qld) có hàm lượng tinh dầu 1,17%, tỷ lệ 1,8-cineole  66,71%, tỷ lệ limonene 3,44% và cũng là một xuất xứ có triển vọng.

Tại Thạnh Hóa, các xuất xứ Q8 (Bribie Island Qld), Q15, Q16 và Q23 ở giai đoạn 2 năm tuổi có hàm lượng tinh dầu 1,58 – 1,75%, tỷ lệ 1,8-cineole 68,2 – 71,3%, tỷ lệ limonene 2,58 – 3,58%. Riêng xuất xứ Q4 có tỷ lệ tinh dầu 1,49%, tỷ lệ 1,8-cineole 66,36%, tỷ lệ limonene 4,30%.

Q15, Q16 và Q23 là những xuất xứ có sinh trưởng nhanh, khối lượng lá lớn, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao. Trong đó, Q23 có triển vọng ở 3 nơi khảo nghiệm; Q15, Q16 có triển vọng ở Thạnh Hóa và Ba Vì; Q4, Q8 và Q16 có triển vọng tại Thạnh Hóa.

Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ