SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu quan hệ giữa đa dạng di truyền ở mức phân tử (AND) với đặc điểm nông – sinh học của 24 dòng lai và bố mẹ của chúng

[25/12/2012 14:22]

Đề tài nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Minh Công, Nguyễn Văn Tiếp (trường Đại học sư phạm Hà Nội), Khuất Hữu Trung (Viện Di truyền Nông nghiệp), Nguyễn Tiến Thăng (Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực) và Nguyễn Minh Anh Tuấn (Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang) thực hiện.

Ảnh minh họa

Các giống lúa tẻ thơm đặc sản miền Bắc (Tám ấp bẹ Xuân Đài, Tám thơm, Dự… ) cho cơm dẻo, rất thơm ngon, ngon nhưng thuộc dạng hình cây cao. Các giống này dễ bị đổ, gãy khi có gió bão và trồng trên đất thâm canh, lá mỏng và rủ, khả năng đồng hóa đạm kém nên cho năng suất rất thấp, hạt gạo ngắn không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hơn nữa các giống lúa này cảm ứng chặt với quang chu kỳ, khả năng thích ứng hẹp.

Qua lai hữu tính giữa các dòng đột biến từ lai giống Tám Xuân Đài và Dự Hải Hậu, đã phối hợp được những đột biến hữu ích vào các kiểu gien khác nhau. Chọn lọc qua 7 – 8 thế hệ đã nhận được 24 dòng ưu tú, có thể dùng chúng trong sản xuất gạo tẻ thơm đặc sản hoặc phục vụ chương trình cải tiến các giống lúa tẻ đặc sản.

24 dòng lai ưu tú ở F8 và hai dòng đột biến bố mẹ (dòng lúa Tám Xuân Đài đột biến số 3 – TXĐĐB3 và dòng lại Dự Hải Hậu đột biến số 5 – DHHĐB5) đã được gieo trồng sang F9 ở vụ mùa 2011. Lá lúa ở thời điểm 30 ngày sau khi cấy được dùng để tách chiết AND, sử dụng 31 cặp mồi SSR thuộc các locus khác nhau để phân tích. Chạy PCR, điện li sản phẩm PCR. Đồng thời xác định 23 chỉ tiêu về đặc điểm nông – sinh học và chất lượng thóc gạo. Số liệu điện li sản phẩm PCR và số liệu về các chỉ tiêu nông – sinh học và chất lượng thóc gạo nói trên cùng được xử lý, phân tích bằng phần mềm Excel version 5.0 và phần mềm NTSYpc 2.1 để phân nhóm và thiết lập sơ đồ hình cây phản ánh quan hệ di truyền giữa các dòng lúa nghiên cứu. Hai sơ đồ hình cây có dạng tương tự, số nhóm trong trường hợp đa dạng di truyền ở cấp độ phân tử (ADN) là 7, trong trường hợp còn lại là 8 nhóm. Thành phần dòng của hầu hết các nhóm về cơ bản là giống nhau. Kết quả đã cho thấy: sự đa dạng trong kiểu gien ở mức phân tử phản ánh sự đa dạng tương ứng trên kiểu hình về các đặc điểm nông – sinh học và chất lượng thóc gạo của 24 dòng lại và 2 dòng đột biến dùng làm bố mẹ.

Theo Tạp chí NN&PTNT, số 18/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ