Ảnh hưởng di truyền cộng gộp trực tiếp và của mẹ đến tính trạng số con sơ sinh sống ở hai giống lợn Yorkshire và Landrace
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Hữu Tỉnh, Lê Phạm Đại (Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam) và Lê Thanh Hải (Trung tâm nghiên cứu Lợn Thụy Phương)thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu thực hiện nhằm
mục tiêu ước tính ảnh hưởng di truyền cộng gộp trực tiếp, ảnh hưởng di truyền
của mẹ và tương quan di truyền giữa các lứa đẻ khác nhau đối với tính trạng số
con sơ sinh sống/ổ ở hai giống lợn Yorkshire
và Landrace tại ba Trại giống Quốc gia Bình Thắng, Đông Á và Thụy Phương.
Để đánh giá ảnh hưởng di
truyền cộng gộp trực tiếp, ảnh hưởng di truyền của mẹ và tương quan di truyền
giữa các lứa đẻ đối với tính trạng số con sơ sinh sống/ổ, nghiên cứu này đã thu
thập số liệu của 31.312 ổ đẻ trên giống lợn Yorkshire và Landrace từ năm 2001
đến 2011. Các phân tích thống kê di truyền sử dụng phương pháp REML trên phần
mềm VCE6 cho thấy khi tách riêng từng lứa đẻ, thành phần phương sai và hệ số di
truyền cộng gộp trực tiếp thay đổi không đáng kể giữa các lứa. Đồng thời có xu
hướng giảm xuống so với phân tích gộp chung tất cả các lứa (0,010 – 0,038 so
với 0,114). Trong khi phương sai và hệ số do ảnh hưởng di truyền của mẹ nhìn
chung rất nhỏ (0,000 – 0,008), giá trị của phương sai và hệ số ngoại cảnh chung
của lứa đẻ lại có ý nghĩa ở cả hai cách phân tích (0,013 – 0,128). Kết quả phân
tích cũng cho thấy tương quan di truyền thuận giữa lứa đẻ thứ nhất, thứ hai với
các lứa đẻ tiếp theo luôn ở mức cao (0,412 – 0,969), trong khi tương quan kiểu
hình và tương quan ngoại cảnh luôn ở mức rất thấp, tương ứng 0,037 – 0,162 và
0,008 – 0,086. Do vậy, không cần xem xét ảnh hưởng di truyền của mẹ trong mô
hình thú lặp lại và có thể sử dụng giá trị giống của số con sơ sinh sống/ổ để
đánh giá chọn lọc đàn nái hạt nhân ngay sau lứa đẻ thứ hai.