Nghiên cứu cải thiện giống Keo tai tượng làm gỗ xẻ
Đề tài nghiên cứu do nhóm tác giả Đoàn Ngọc Dao (Tổng cục Lâm nghiệp), Nguyễn Đức Kiên và Hà Huy Thịnh (Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) thực hiện.
Ảnh minh họa
Keo tai tượng (Acacia
mangium) hiện là một trong những loài cây trồng rừng chính ở nước ta, tập
trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.
Đề tài thực hiện nhằm mục
tiêu cải thiện chất lượng gỗ rừng trồng Keo tai tượng phục vụ công nghiệp chế
biến gỗ xuất khẩu, cần thiết tiến hành tìm hiểu đặc điểm biến dị và khả năng di
truyền của các tính chất cơ lý gỗ ở Keo tai tượng, làm cơ sở cho nghiên cứu cải
thiện chất lượng gỗ rừng trồng loài cây này, và cũng là yêu cầu cần thiết để
nâng cao hiệu quả trồng rừng và phát triển kinh tế.
Nghiên cứu được tiến hành
trên một khảo nghiệm hậu thế tại Ba Vì, Hà Nội, sử dụng 42 gia đình với tổng số
151 cây. Kết quả nghiên cứu ccho thấy có sự sai khác rõ rệt giữa các xuất xứ
Keo tai tượng về tỷ trọng gỗ nhưng không có sự sai khác về các tính chất gỗ
khác như MOE, MOR và độ co rút gỗ. Giữa các gia
đình có sự sai khác rõ rệt về tỷ trọng gỗ, MOE,
MOR, độ co rút theo chiều tiếp tuyến và xuyên tâm nhưng không có sai khác giữa
các gia đình về co rút theo chiều dài và tỷ số độ co rút tiếp tuyến/ xuyên tâm.
Hệ số di truyền theo nghĩa hẹp dao động từ trung bình đến cao cho tỷ trọng gỗ, MOE, MOR, độ co rút theo chiều tiếp tuyến và xuyên tâm và
thấp hoặc bằng 0 với co rút theo chiều dài và tỷ số độ co rút tiếp tuyến/ xuyên
tâm. Tương quan kiểu hình giữa các tính trạng nghiên cứu là yếu, do đó có thể
chọn lọc được các gia đình và cá thể vừa có số sinh trưởng tốt đồng thời có một
hoặc một số tính chất gỗ tốt cho các bước cải thiện giống tiếp theo.
Theo Tạp chí NN&PTNT, số 18/2012