SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nuôi cấy mô và tế bào tràm trà thu nhận Terpinen-4-ol

[30/12/2012 15:49]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Tiến Vinh (trường Đại học Nguyễn Tất Thành), Bùi Thị Tường Thu (Viện Sịnh học Nhiệt đới) và Trần Văn Minh (trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) thực hiện.

Ảnh minh họa

Tràm trà (Malaleuca alternifolia Maiden & E.Betch ex Cheel) là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cải tạo môi trường và là nguồn cung cấp nguồn tinh dầu tràm trà chất lượng cao. Tinh dầu tràm có màu vàng chanh nhẹ với mùi thơm dễ chịu, là chất khử trùng không gây độc hại có nhu cầu cao trên thị trường thế giới.

Tinh dầu tràm có hai nhóm chính: nhóm tinh dầu tràm trà giàu terpinen-4-ol, α-terpinen, γ-terpinen, có thành phần phù hợp với tinh dầu tràm thương phẩm Úc đã được công bố; và nhóm tinh dầu giàu 1,8-cienol, terpinolen.

Lợi nhuận mang lại từ tinh dầu tràm trà đã làm nổi lên phong trào nhân giống và trồng mới loài cây này ở nhiều nơi trên thế giới. Số lượng và chất lượng tinh dầu thu được lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống loài, mùa vụ, thổ nhưỡng, thời điểm thu hoạch,… trong đó chất lượng cây giống được xem là yếu tố quan trọng và có tác động nhiều nhất.

Kết quả nghiên cứu khả năng nhân nhanh in vitro cây tràm trà và tích tụ hoạt chất Terpinen-4-ol qua nuôi cấy mô sẹo và dịch huyền phù tế tào cho thấy, chồi đỉnh cây tràm trà 4 năm tuổi, được khử trùng với nồng độ javen 75% với thời gian khử trùng 15 phút và HgCl2 (0,1%) trong 10 phút, cho kết quả vô trùng mẫu 87,22%. Môi trường nhân chồi thích hợp trên môi trường LV + AB (0,5 mg/l) và ra rễ trên môi trường LV + NAA (2 mg/l). Lá là bộ phận có khả năng tạo mô sẹo tốt nhất trên môi trường MS + 2,4D (4 mg/l) + BA (0,5 mg/l), glyxin (10 mg/l), B1 (5 mg/l), sucroza (20 g/l). Dạng mô sẹo xốp có màu trắng sữa phát triển nhanh. Mô sẹo được nuôi cấy tăng sinh tốt nhất trên môi trường MS + 2,4D (1 mg/l), sucroza (20 g/l), nước dừa (15%), glyxin (10 mg/l), B1 (5 mg/l). Hàm lượng terpinen-4-ol tích tụ của mô sẹo được duy trì khá tốt trong ba lần cấy truyền đầu tiên. Nhân sinh khối mô sẹo diễn ra trong điều kiện tối và ánh sáng (22,2 μmol/m2/s) giúp nâng cao hàm lượng terpinen-4-ol trong mô sẹo. Bổ sung yeast extract (dịch chiết men bia) (150 mg/l) vào môi trường nuôi cấy cho kết quả tích tụ terpinen-4-ol tốt nhất 0,0256%. Hàm lượng terpinen-4-ol tích tụ trong tế bào được nuôi cấy trong môi trường lỏng (0,0241%) thích hợp hơn trên môi trường aga (0,0188%).

TC NN&PTNT, số 22/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ