Thực trạng và giải pháp khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long
Đề tài nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Văn Gia Nhỏ, Nguyễn Văn An (Viện Khoa học Ký Thuật Nông nghiệp miền Nam) và Nguyễn Tấn Khuyên (Viện NC. Kinh tế Phát triển – ĐH Kinh tế TP. HCM) thực hiện nhằm giúp cho ngành cá tra, tôm sú phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cá tra (Pangasius
hypophthalmus) và tôm sú (Penaeus monodon) là những mặt hàng xuất
khẩu chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL). Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra, tôm sú xuất
khẩu đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững. Trong đó,
vấn đề nổi cộm những năm gần đây là sự mất cân đối cung cầu về nguyên liệu phục
vụ cho chế biến xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất
cân đối này là sự thiếu liên kết tring sản xuất và tiêu thụ.
Hình thức liên kết ngang
của các hộ nuôi trồng cá tra, tôm sú là tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ, hợp tác
xã (HTX). Các liên kết chủ yếu trong cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thủy
sản và tiêu thụ sản phẩm. Các liên kết này giúp hộ nuôi giảm chi phí từ 5-7%.
Liên kết ngang của các nhà máy chế biến chủ yếu là tham gia các hiệp hội cấp
quốc gia (VASEP) và hiệp hội nghề cá cấp tỉnh. Hình thức liên kết dọc ở các
dạng: liên kết cung cấp thức ăn và đầu tư thức ăn – thu mua sản phẩm.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ
ra rằng: Các yếu tố hạn chế trong liên kết dọc, đó là: vận chuyển, kỹ thuật,
mùa vụ, đặc tính sản phẩm, thói quen mua bán, trung gian hỗ trợ liên kết, vốn
đầu tư là rủi ro về giá cả. Yếu tố thuận lợi gồm quy mô sản xuất, sản lượng, và
sản phẩm đạt tiêu chuẩn về ATVSTP. Để tăng cường liên kết trong sản xuất và
tiêu thụ cá tra, tôm sú cần tập trung các giải pháp về hỗ trợ và phát triển
HTX/THT, tăng cường biện pháp kiểm tra ATVSTP, hỗ trợ của tổ chức trung gian,
hỗ trợ tín dụng cho HTX về cơ sở hạ tầng, qui trình sản xuất và chứng nhận
ATVSTP và các hợp đồng liên kết.