Thúc đẩy khai thác, áp dụng sáng chế bằng cách nào?
Mặc dù có nguồn lưu trữ bản mô tả sáng chế của các nước tương đối lớn, nhưng các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa sử dụng, chưa biết cách khai thác để phục vụ hoạt động nghiên cứu – triển khai và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Vậy làm thế nào để hoạt động khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sáng chế ở Việt Nam khởi sắc?
Mô hình tàu đệm khí được
trình diễn tại hoạt động kết nối cung cầu công nghệ năm 2011. |
Vì đâu nên nỗi…
Theo TS. Phùng Minh Lai – Viện trưởng
Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, nhằm rút ngắn khoảng cách về
trình độ công nghệ đối với các nước phát triển, các nước đang phát triển đã lựa
chọn nhiều giải pháp “đi tắt, đón đầu” để sớm trở thành một nước mạnh về công
nghệ như: hoạt động R&D, nhập khẩu công nghệ, chuyển nhượng Lixăng công
nghệ, khai thác kho sáng chế quốc gia và quốc tế để với tới công nghệ nguồn,…
Trong đó giải pháp tìm ra các bí quyết công nghệ (từ kho sáng chế quốc gia hoặc
kho sáng chế quốc tế) phù hợp từ các sáng chế là con đường ngắn và hiệu quả
nhất.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ở Cục Sở
hữu trí tuệ (SHTT) đang lưu trữ trên 30 triệu bản mô tả sáng chế của các nước,
đó là nguồn tri thức/bí quyết công nghệ quý báu nhưng chưa được khai thác,
nghiên cứu, áp dụng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt chưa biết đến “kho
báu” này nên chưa khai thác để phục vụ hoạt động nghiên cứu- triển khai và ứng
dụng vào sản xuất kinh doanh.
Đại diện Cục SHTT cho rằng, một số
doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đăng ký sáng chế cũng như áp dụng sáng chế
của mình vào thực tiễn. Tuy nhiên, việc làm này chưa thực sự ổn định và số
lượng các doanh nghiệp như vậy chưa nhiều; Thường là do sự sáng tạo xuất sắc
của một vài cá nhân trong công ty chứ không phải là nỗ lực của toàn bộ doanh
nghiệp, hầu như chỉ là sự sáng tạo đơn lẻ của các cá nhân mà chưa có được sự
đầu tư cũng như có tổ chức bài bản.
Một thực trạng đáng lo là hiện nay
chưa có nhiều các doanh nghiệp Việt quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công
nghệ nói chung và các sáng chế nói riêng của các nhà khoa học, các nhà sáng tạo
cá nhân vào thực tiễn. Điều này cho thấy, nhu cầu áp dụng sáng chế từ bên ngoài
của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt chỉ mua
các máy móc, thiết bị (chủ yếu từ nước ngoài) để sản xuất sản phẩm theo công
nghệ kèm theo mà không quan tâm đến việc hợp tác, đặt hàng các nhà khoa học từ
các trường đại học/viện nghiên cứu và các nhà sáng tạo cá nhân hoặc khuyến khích
các cán bộ của mình cải tiến sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt
hầu như chưa thực sự quan tâm và cũng không thực sự có nhu cầu khai thác, áp
dụng sáng chế vào sản xuất, kinh doanh cũng như nghiên cứu triển khai. Thêm vào
đó, tâm lý sợ lộ “bí quyết”, “bí mật” cũng là một trở ngại lớn trong việc đăng
ký sáng chế và từ đó ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại của sáng chế.
Một trong những ví dụ rõ nét về thực
trạng này là trong chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 (Techmart
2012) rất nhiều sản phẩm công nghệ do nông dân sáng tạo ra có khả năng khai
thác, ứng dụng cao. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo là nông dân hầu hết đều không
được đào tạo qua các lớp chuyên môn kỹ thuật.
Họ chỉ đơn thuần nghiên cứu để giải quyết
vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của chính cá nhân mình chứ không
phải vì mục tiêu thương mại nên hầu hết các sáng chế, giải pháp này mới chỉ
được áp dụng trong phạm vi hộ gia đình và địa phương nơi họ sinh sống, và ít
được đăng ký bảo hộ sáng chế cũng như đưa ra khai thác, áp dụng rộng rãi để thu
lợi nhuận cho nhà sáng tạo.
Chính vì thế mà các nhà sáng tạo cá
nhân này rất vất vả để tìm cách áp dụng sáng chế của mình vào thực tiễn và rất
ít trường hợp hợp tác được với doanh nghiệp để áp dụng sáng tạo của họ vào thực
tiễn.
Cần sự liên kết giữa “Ba nhà”
Theo số liệu thống kê tính đến tháng
12/2011 của Cục SHTT cho thấy tổng số văn bằng bảo hộ sáng chế (SC)/giải pháp
hữu ích (GPHI) được cấp ra cho chủ đơn Việt Nam là 1.034, trong đó SC là 458
văn bằng, chiếm 44%, GPHI là 576 văn bằng, chiếm 56%. Từ thực tế trên có thể
thấy số giải pháp kỹ thuật được tạo ra của các tác giả Việt Nam được bảo hộ ở
dạng GPHI nhiều hơn là SC. Hơn nữa các sáng chế cũng có rất ít những sáng chế “gốc”
nên giá trị kinh tế trong ứng dụng là chưa cao.
Doanh nghiệp, các trường đại học, viện
nghiên cứu là những chủ thể có khả năng thuận lợi nhất, đồng thời cũng có nhu
cầu nhiều nhất trong việc khai thác, áp dụng sáng chế. Trong khi đó số lượng
bằng độc quyền sáng chế của các chủ thể này lại không nhiều, đây cũng là một lý
do lý giải tại sao hoạt động khai thác, áp dụng sáng chế của Việt Nam còn hạn chế.
Để thúc đẩy hoạt động khai thác thương
mại kết quả nghiên cứu, sáng chế ở Việt Nam, TS. Phạm Hồng Quất – Phó Cục
trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ cho rằng,
cần tăng cường mối liên kết 3 nhà “Nhà nước – Nhà nghiên cứu – Doanh nghiệp”
bằng 2 hình thức gồm: Khai thác trực tiếp (Nhà nghiên cứu mở doanh nghiệp, trực
tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, Doanh nghiệp và nhà sáng chế
cùng đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, hoàn thiện công nghệ, cùng khai thác
kết quả.
Hay doanh nghiệp mua kết quả nghiên
cứu, sáng chế đã hoàn thiện trực tiếp từ nhà sáng chế, áp dụng vào sản xuất) và
khai thác qua các dịch vụ trung gian (Các tổ chức trung gian như chợ công nghệ,
sàn giao dịch công nghệ, các trung tâm ứng dụng, ươm tạo,… thúc đẩy hoạt động
giao dịch thương mại, mua bán bản quyền, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, sáng
chế giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu,
sáng chế đến doanh nghiệp để các doanh nghiệp áp dụng vào đổi mới công nghệ,
phát triển sản xuất).
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thể
hiện vai trò trong hỗ trợ khai thác sáng chế qua việc tạo môi trường pháp lý,
cơ chế, chính sách, đầu tư, định hướng phát triển nghiên cứu; vai trò kích
thích và áp chế để doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua khai thác ứng dụng
kết quả nghiên cứu cũng như hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khai thác thương mại
kết quả nghiên cứu sáng chế. Có như vậy, hoạt động khai thác, áp dụng sáng chế của
Việt Nam
mới có cơ hội rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ đối với các nước phát
triển.
http://truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)