SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Áp cao Thanh Tạng và ảnh hưởng của nó đến thời tiết Việt Nam

[27/01/2013 15:20]

Nghiên cứu do PGS. TS. Phạm Vũ Anh và PGS. TS. Nguyễn Viết Lành thuộc Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Khí tượng Thủy văn và Môi trường thực hiện.

Cho đến nay, có thể nói rằng, các nhà khí tượng của chúng ta đều đã nắm vững những hệ thống thời tiết ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, hầu như không có một công trình nghiên cứu nào liên quan đến hệ thống thời tiết được công bố một cách chính thức.

Các công trình nghiên cứu trước đây chủ yếu thực hiện trên những bộ bản đồ phân tích các đường đẳng áp, gần như không phân tích đường dòng, và đặc biệt là không có điều kiện để phân tích được mặt cắt thẳng đứng trường các yếu tố khí tượng.

Vì vậy, một số trung tâm khí áp hoạt động riêng rẽ, có những đặc tính riêng, hệ quả thời tiết riêng biệt nhưng hoạt động gần với những trung tâm khí áp khác nên được xem là một. Trong số những trung tâm khí áp đó có áp cao Thanh Tạng.

Với nguồn số liệu chủ yếu từ năm 1980 đến năm 2009, là kết quả quan trắc về nhiệt độ không khí của 2 kỳ quan trắc chính (7 và 19 giờ) cũng như nhiệt độ tối cao, tối thấp; hướng gió và tốc độ gió; và lượng mưa ngày từ 56 trạm khí tượng trên phạm vi từ Hà Tĩnh trở ra. Nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu để thực hiện đề tài:

Phương pháp thống kê toán học để tính toán, phân tích những đặc trưng của một số yếu tố khí hậu cũng như một số hiện tượng khí tượng;

Phương pháp synop để phân tích các đường đẳng cao và đường dòng, các mặt cắt thẳng đứng để xác định phạm vi và quy luật hoạt động của các hệ thống, hình thế thời tiết ảnh hưởng đến từng khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam;

Phương pháp địa lý để phân tích, mô tả diễn biến theo không gian, thời gian của các đặc trưng thời tiết và khí hậu.

Bằng việc sử dụng số liệu tái phân tích của NCAR/NCEP để xây dựng bộ bản đồ đường đẳng áp và đường dòng trung bình từng tháng trên các mực đẳng áp chính (từ mực 1000 – 500 mb) cho khu vực châu Á và lân cận.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy, trong những tháng mùa hè, khi áp cao lạnh lục địa mùa đông (áp cao Siberia trong mùa đông) đã rút mạnh sang phía Tây (từ tháng 6 đến tháng 8, trung tâm áp cao này nằm phía tây kinh tuyến 40oE) nên gần như không có khả năng xâm nhập xuống lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, trong thời kỳ này, áp cao Thanh Tạng đã ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam trong những ngày có điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập xuống phía Nam của nó. Khi áp cao này xâm nhập xuống lãnh thổ Việt Nam, nó cũng thường gây nên mưa rào và dông cho các tỉnh phía Bắc lãnh thổ.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn, tháng 9/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ