Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các công trình thủy lợi ở tỉnh Thái Nguyên
Đề tài do PGS. TS Trần Hồng Thái và nhóm cộng sự thuộc Trung tâm Tư vấn Khí tượng Thủy văn và Môi trường thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh Thái
Nguyên thường xảy ra các hiện tượng thiên tai nguy hiểm (lũ, lũ quét, lốc xoáy,
mưa đá,… ). Những hiện tượng này ảnh hưởng tiêu cực đến các công trình hồ chứa,
trạm bơm, đê điều… Phân tích xu thế thay đổi của các yếu tố khí tượng thủy văn,
đặc biệt là nhiệt độ, mưa và dòng chảy là rất cần thiết trong việc đánh giá tác
động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới hiệu quả hoạt động của các công trình thủy
lợi.
Bài báo tập trung nghiên
cứu vào lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, khái quát hiện trạng
công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và tập trung đánh giá sự thay đổi dòng
chảy theo các kịch bản BĐKH đê đưa ra kết quả cân bằng nước trong giai đoạn nền
1980 – 1999 và theo các kịch bản BĐKH giai đoạn 2020 – 2099. Từ đó đánh giá ảnh
hưởng của BĐKH đến hiệu quả hoạt động, an toàn của các công trình hồ chứa lớn
trong mùa lũ và mùa kiệt tại tỉnh Thái Nguyên.
Bài báo giới thiệu kết quả
đánh giá sự thay đổi của Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do chịu
ảnh hưởng của BĐKH, từ đó đánh giá khả năng cấp nước cho từng phân khu thủy lợi
theo hai phương án phát triển kinh tế - xã hội và các kịch bản BĐKH ứng với mỗi
thời kỳ 20 năm. Khi đánh giá đã xem xét đến việc điều chỉnh quy hoạch chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên và chuyển
đổi cơ cấu cây trồng từ các cây lúa nước sang trồng một số loại cây công nghiệp
sử dụng ít nước mà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn (cây chè Thái Nguyên, cây
ăn quả, rau màu,… ), đồng thời có sự tham gia cấp nước của hồ chứa Văn Lang –
cung cấp thêm khoảng 20 – 30 m3/s cho khu hạ du, giảm lượng nước thiếu cho các
vùng hạ sông Cầu dưới tác động của BĐKH.
Kết quả đánh giá cho thấy
khả năng của hồ chứa Núi Cốc và Văn Lang đảm bảo cấp nước cho cả mùa lũ và mùa
cạn. Hồ Gò Miếu và Bảo Linh đảm bảo điều tiết nước vào mùa lũ, riêng mùa cạn
thì khả năng cấp nước cho hạ du gặp khó khăn do lượng dòng chảy đến có xu hướng
giảm trong bối cảnh BĐKH. Điều này cho thấy, BĐKH có ảnh hưởng đến hoạt động
của hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh Thái Nguyên, nhưng mức độ ảnh
hưởng không lớn, các công trình vẫn đảm bảo vận hành theo điều kiện thiết kế.
Tuy nhiên, cần căn cứ vào tình hình thực tế và báo cáo đánh giá chuyên sâu của
địa phương để tiến hành xem xét đến vấn đề chống hạn và vận hành của hồ chứa Gò
Miếu và Bảo Linh vào mùa cạn.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn, tháng 9/2012