SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của một số chế phẩm sinh học lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá giò (Rachycentron canadum) giai đoạn ương cá bột lên cá hương.

[30/01/2013 19:01]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thanh Trung (Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Kiên Giang), Lê Quốc Việt và cộng sự (Khoa Thủy Sản, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Ảnh minh họa

Mục tiêu đề tài nhằm đánh giá khả năng nâng cao tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống trong ướng cá giò bột lên cá hương, góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá giò và đáp ứng nhu cầu con giống của người nuôi.

Cá giò (Rachycentron canadum) là loài cá biển có giá trị kinh tế cao và được nuôi trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có chế phẩm sinh học trong sản xuất giống và nuôi thủy sản là hướng phát triển quan trọng trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong ương cá giò chưa có công trình nào được công bố ở Việt Nam và cũng như trên thế giới.

Nghiên cứu được thực hiện tại Trại Thực nghiệm Khoa Thủy sản – trường Đại học Cần Thơ từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2012. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức, gồm: (i) chế phẩm A, (ii) chế phẩm B, (iii) chế phẩm C và (iv) nghiệm thức đối chứng (không sử dụng chế phẩm sinh học). Thí nghiệm được thực hiện trong các bể compozit có thể tích 500 lít, nước ương có độ mặn 30 ‰, sục khí liên tục. Cá bột có nguồn từ sinh sản nhân tạo, cá có kích cỡ ban đầu là 3,3 mm, được bố trí với mật độ ương 10 cá bột/lít. Một số loại chế phẩm sinh học được sử dụng định kỳ 3 ngày/ lần.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố môi trường nước như pH, nhiệt độ, nitrit, nitrate và TAN trong bể ương của các nghiệm thức thí nghiệm dao động trong khoảng thích hợp cho cá giò sinh trưởng và phát triển.

Sau 21 ngày ương, chiều dài trung bình của cá giờ ở các nghiệm thức đạt từ 20,96 – 22,18 mm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng là 0,88 – 1,03 mm/ngày (hay 8,93 – 9,62%/ngày) và chúng khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) mặc dù nghiệm thức sử dụng chế phẩm A và B cho kết quả cao hơn.

Tỷ lệ sống trong ương cá giò khi sử dụng chế phẩm B và chế phẩm A đạt tốt nhất lần lượt là 9,65% và 7,75%.

Tạp chí NN&PTNT, số 22/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ