SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu lượng các bon tích tụ của rừng Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại vường quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

[31/01/2013 09:11]

Đề tài do nhóm tác giả Viên Ngọc Nam (Đại học Nông Lâm Tp. HCM) và Lê Hoàng Long (Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp) nhằm cung cấp thông tin về khả năng tích tụ các bon và giá trị CO2 của rừng, làm cơ sở khoa học cho việc áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, Tràm (Melaleuca cajuputi) là cây thân gỗ, thuộc họ Sim, phát triển trên vùng đất chua, ẩm ướt; là loài cây đặc trưng trên vùng đất ngập nước, phân bố rộng ở các vùng đồng bằng cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và phân bố nhiều ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Phương pháp nghiên cứu lượng các bon tích tụ trên mặt đất của các bộ phận thân, cành, lá, vỏ của cây Tràm dựa vào phương pháp của Pearson và ctv (2005) thông qua việc xác định sinh khối của cây gỗ, từ đó tính toán khả năng tích tụ các bon trong cây.

Phương pháp nghiên cứu là chặt hạ cây tiêu chuẩn để xây dựng phương trình các bon của cây cá thể, thu thập số liệu ngoài thực địa, kết hợp phân tích trong phòng thí nghiệm. Từ đó, dự báo khối lượng sinh khối khô và các bon toàn diện tích khu vực nghiên cứu.

Tính toán lượng các bon tích lũy của rừng Tràm thông qua định lượng các bon của các bộ phận của cây trên mặt đất, quần thụ. Đã chặt 40 cây tiêu chuẩn, kết hợp với việc phân tích tỷ lệ % các bon trong các bộ phận của cây để xây dựng các phương trình sinh khối và các bon với D1,3 . Phương trình các bon vơi đường kính của cây cá thể là Ctong = 0,066*D1,32,1267. Đã bố trí và đo đếm ở 42 ô tiêu chuẩn có tkichs thước 100 m2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các bon tích tụ ở bộ phận thân cây cá thể là cao nhất và tăng theo khi đường kính tăng.

Các phương trình tương quan giữa sinh khối cây cá thể với đường kính đều có hệ số xác định R2 khá cao, từ 0,90 trở lên và phương trình có dạng:

Y = a * Xb

Về lượng các bon tích tụ và lượng hấp thụ CO2 của rừng gồm: Tổng lượng các bon tích tụ ở cây cá thể bằng 44,8% so với tổng sinh khối khô và  bằng 17,7%  so với tổng sinh khối tươi; đối với quần thụ, lượng các bon tích tụ trung bình là 98,01 ± 11,02 tấn/ha  , trong đó, bộ phận thân có lượng các bon tích tụ cao nhất là 66,44 ± 7,72 tấn/ha, bộ phận cành là 16,35 ± 1,73 tấn/ha, vỏ là 10,9 ± 1,15 tấn/ha và thấp nhất là các bon của bộ phận lá 4,32 ± 0,43 tấn/ha.

Lượng các bon tích tụ cấp 1 là 74,85 tấn/ha, cấp 2 là 87,64 tấn/ha và cấp 3 là 119,25 tấn/ha.

Lượng hấp thụ CO2 trung bình các cấp quần thụ là 344,35 tấn/ha và của cả khu vực là 1.038.281,53 tấn.

Kết quả của đề tài là nguồn thông tin để có thể tính toán để thực hiện thí điểm cơ chế chi trả dịch vụ môi trường trong điều kiện Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế là Khu Ramsa thứ 4 của Việt Nam vào ngày 02 tháng 02 năm 2012 và thứ 2000 của thế giới.

Tạp chí NN&PTNT, số 22/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ