Đặc điểm quang hợp liên quan đến chịu hạn của một số loại cỏ họ thảo (Poaceae) và họ đậu (Fabaceae) làm thức ăn gia súc
Đề tài do nhóm tác giả Hoàng Văn Tạo, Phạm Văn Cường và Trần Đức Viên thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện nhằm mục tiêu nghiên cứu sự khác biệt về các đặt tính sinh lý liên quan đến khả năng chịu hạn của hai loại cỏ họ thảo (Poaceae) và cỏ họ đậu (Fabaceae) cung cấp thông tin cho việc chọn giống cỏ chịu hạn làm thức ăn gia súc.
Hiện nay, diện tích trồng cỏ thâm canh ở
Việt Nam mới chỉ áp dụng được 10% nhu cầu thức ăn thô xanh của các loại gia súc
ăn cỏ. Việc chăn nuôi gia súc nhai lại chủ yếu phụ thuộc vào cỏ tự nhiên và phụ
phẩm nông nghiệp, do vậy luôn mất cân đối nguồn cung giữa các mùa, lãng phí phụ
phẩm lúc thu hoạch và thiếu thức ăn lúc giáp vụ vào mùa đông. Hơn nữa hạn hán
và biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân là cho tình trạng thiếu thức
ăn thô xanh càng diễn ra trầm trọng. Trong 15 năm từ 1991 đến 2005 Việt Nam đã
có tới 9 năm xảy ra hạn hán (Pandey et al., 2007). Sử dụng những giống cỏ chăn
nuôi có khả năng chịu hạn là một giải pháp hiệu quả giúp nâng cao hiệu quả lao
động và năng suất cây trồng nhằm đối phó và thích ứng với hạn hán. Vì vậy đề
tài đã tiến hành các thí nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của hạn đến quang hợp của
3 giống cỏ họ Hòa thảo và 3 giống cỏ họ Đậu làm thức ăn gia súc trong cả giai
đoạn hạn và phục hồi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
1. Một số chỉ tiêu quang
hợp như cường độ quang hợp, khả năng đóng mở khí khổng và nồng độ CO2
trong gian bào ở cỏ họ Hòa thảo giảm nhiều hơn ở cỏ họ Đậu trong giai đoạn hạn,
nhưng những chỉ tiêu này cũng phục hồi tốt hơn ở cỏ họ Hòa thảo ở giai đoạn
phục hồi.
2. Trong giai đoạn hạn,
giá trị SPAD của cỏ họ Đậu giảm trong khi ở cỏ Hòa thảo không bị giảm, ngược
lại giá trị này giảm ở cỏ họ Hòa thỏa trong giai đoạn phục hồi.
3. Hiệu suất sử dụng
nước tăng ở cỏ họ Đậu nhưng giảm ở cỏ Hòa thảo khi hạn.
4.
Hiệu suất sử dụng lượng tử ánh sáng của hệ quang hóa trong cỏ Hòa thảo giảm ở
cả giai đoạn hạn và phục hồi nhưng không thay đổi trong cỏ họ Đậu.
5.
Hạn làm tăng tỷ lệ rễ/thân lá của cỏ họ Đậu nhưng giảm chỉ tiêu này ở cỏ họ Hòa
thảo.