SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật cấy, chế phẩm đa enzym để ủ chua đến phân giải dạ cỏ của một số loại thức an thô xanh và phụ phẩm nông nghiệp dùng cho gia súc nhai lại.

[10/02/2013 11:05]

Đề tài do nhóm tác giả Lê Văn Hùng, Nguyễn Sức Mạnh, Vũ Chí Cương, Đinh Văn Truyền, Trần Quốc Việt, Lê Văn Huyên và Bùi Thị Thu Tuyền - Bộ mô Dinh dưỡng và thức ăn Chăn nuôi - Viện Chăn nuôi nghiên cứu với mục tiêu khảo sát ảnh hưởng của việc bổ sung các chế phẩm vi sinh vật cấy (TH1) và chế phẩm đa enzyme phân giải xơ (EZ) trong quá trình ủ chua đến tỷ lệ và đặc điểm phân giải dạ cỏ của một số loại thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp.

Ủ chua là một biện pháp kỹ thuật truyền thống được sử dụng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới để chế biến và bảo quản các loại thức ăn thô xanh, các phụ phẩm của ngành trồng trọt và một số sản phẩm động vật bằng phương pháp lên men có kiểm soát (Mc Donald, 1991). Tuy nhiên, do sự khác biệt về bản chất vật liệu ủ (thức ăn xanh, thức ăn củ quả, thức ăn có nguồn gốc động vật), đặt biệt là kỹ thuật ủ (mức độ yếm khí, thành phần các chất bổ trợ, điều kiện bảo quản, v.v…) mà chất lượng của các loại thức ăn ủ chua rất khác nhau. Các chỉ tiêu thông thường như độ pH, sự biến đổi thành phần hóa học (vật chất khô, chất hữu cơ, protein thô, v.v…) hàm lượng một số axít hữu cơ (axit lactic, axetic, butyric) chỉ đánh giá được chất lượng của hỗn hợp ủ trong quá trình chế biến và bảo quản, nhưng không đánh giá được hiệu quả cuối cùng thông qua các đáp ứng của vật nuôi. Trong những năm gần đây nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, có sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ và đặc điểm phân giải vật chất khô, protein thô và NDF trong dạ cỏ của một số loại thức ăn ủ chua có cùng nguồn gốc, các chỉ số tương tự nhau về chất lượng lên men và khả năng bảo quản trong điều kiện yếm khí (Petit, 1992; Yan và ctv, 2004; Silva và ctv, 2008).

Trong những năm vừa qua, Viện Chăn nuôi phối hợp với Viện Sinh vật và Công nghệ Sinh học Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu sản xuất được chế phẩm vi sinh vật cấy (TH1) và chế phẩm đa enzyme phân giải xơ (EZ), được dùng như những chất bổ trợ sinh học để ủ chua thức ăn.  Nhằm mục tiêu là khảo sát ảnh hưởng của việc bổ sung các chế phẩm này trong quá trình ủ chua đến tỷ lệ và đặc điểm phân giải dạ cỏ của một số loại thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp, các thí nghiệm đã được tiến hành trên mười ba mẫu thức ăn bao gồm: rơm lúa tươi; rơm lúa tươi ủ với chế phẩm vi sinh vật cấy (TH1); rơm lúa tươi ủ với chế phẩm vi sinh vật cấy với chế phẩm đa enzyme (TH1EZ); rơm lúa tươi ủ với rỉ mật; cỏ voi tươi; cỏ voi tươi ủ với chế phẩm TH1; cỏ voi tươi ủ chua với chế phẩm TH1 và chế phẩm đa enzyme (EZ); cỏ voi ủ chua với rỉ mật; thân lá ngô tươi; thân, lá ngô ủ chua với chế phẩm TH1, thân, lá ngô ủ chua với chế phẩm TH1 và EZ; thân lá ngô ủ chua với rỉ mật; phụ phẩm dứa tươi; phụ phẩm dứa ủ chua với chế phẩm TH1 và EZ được sử dụng trong thí nghiệm in sacco trên bò mổ lỗ dò dạ cỏ nhằm xác định ảnh hưởng của việc sử dụng rỉ mật và các chế phẩm sinh học (TH1 và EZ) để ủ chua đến tỉ lệ và đạc điểm phân giải dạ cỏ của các loại thức ăn này. Các mẫu thức ăn tươi (chưa ủ chua) được lấy mẫu ngay từ khi bắt đầu chế biến (ủ chua) và sấy khô trong tủ sấy, còn các loại thức ăn ủ chua được lấy mẫu vào ngày thứ 60 sau khi ủ, sau đó được làm đông khô trước khi được nghiền qua mắt sàng 2 mm. Thí nghiệm in sacco được thực hiện trên 2 bò đực lại Sind mỗ lỗ dò theo qui trình của Orskov và ctv (1980) với các thời điểm ủ mẫu là 0, 4, 12, 24, 48, 72 và 96 giờ để xác định tỷ lệ và động thái phân giải dạ cỏ của các mẫu thí nghiệm.

Kết quả cho thấy sử dụng rỉ mật, chế phẩm TH1 và chế phẩm EZ một cách riêng rẽ để ủ chua không cải thiện được tỷ lệ phân giải dạ cỏ của vật chất khô và NDF ở rơm lúa tươi, cỏ voi tươi và thân, lá ngô tươi. Sử dụng rỉ mật và chế phẩm vi sinh vật cấy TH1 như chất bổ trợ duy nhất để ủ chua không làm tăng tỷ lệ phân giải vật chất khô và NDF của cỏ voi và thân, lá ngô trong dạ cỏ của bò so với cỏ voi và thân lá ngô tươi. Việc sử dụng kết hợp cả TH1 và EZ để ủ chua cỏ voi, thân, lá ngô và phụ phẩm dứa đã làm tăng tỷ lệ phân giải vật chất khô thêm 4,7-10,1%, làm tăng tỷ lệ phân giải NDF thêm 12,7%-20,8% so với các mẫu không ủ tương ứng.

Từ kết quả nghiên cứu trên nhóm thực hiện đề tài đã kiến cho sản xuất thử chế phẩm vi sinh vật cấy - TH1 và chế phẩm đa enzyme dùng trong chế biến thức ăn thô xanh và một số loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc nhai lại. 

Tạp chí NN&PTNT số 21/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ