Tỷ lệ có chửa của trâu khi được gây động dục đồng loạt bằng chương trình sử dụng PGF2α GnRH và oestrogen kết hợp cố định thời điểm phối giống nhân tạo
Nghiên cứu đo nhóm tác giả Đinh Văn Cải, Đậu Văn Hải - Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Thái Khắc Khanh - Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An, Hàn Quốc Vương - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi (Viện chăn nuôi) và Trần Lê Thái - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Kỹ thuật Chăn nuôi (Thanh Hóa) thực hiện nghiên cứu với mục tiêu đánh giá tỷ lệ trâu động dục và có chửa từ các chương trình sử dụng phối hợp GnRH, PGF2α và oestrogen để gây động dục đồng loạt trên trâu nội và kết hợp với cố định thời điểm phối giống nhân tạo.
Trong
chăn nuôi nhỏ nông hộ, việc phát hiện trâu cái động dục bằng mắt thường gặp
nhiều khó khăn. Ở những vùng thiếu đực giống hoặc do đặc điểm chăn nuôi mà
thiếu sự tiếp xúc đầy đủ giữa trâu cái và trâu đực dẫn đến thực trạng trâu cái
đẻ thưa. Phối giống nhân tạo cho trâu là một kỹ thuật tiên tiến không chỉ khắc
phục được tình trạng thiếu đực giống mà còn để lai tạo trâu nội nước ta với
trâu Murrah cho con lai có năng suất và chất lượng cao hơn hẳn trâu nội. Các
nghiên cứu theo hướng sử dụng một số hoóc môn sinh dục để gây động dục trên
trâu cái tập trung vào khoảng thời gian ngắn, để thuận lợi cho kỹ thuật phối
giống nhân tạo, đã được phát triển ngày càng hoàn thiện. Hoóc môn được sử dụng
vào mục đích này là progesterone (hoóc môn giới tính duy trì thai) dưới dạng
dụng cụ đặt vào âm đạo như CIDR và PRID hay PGF2α dưới dạng tiêm như
chế phẩm Lutalyse, Cloprostenol. Các nghiên cứu của Yendraliza và ctv (2011)
trên trâu Indonesia; Gupta và ctv (2008) trên trâu Ấn Độ; Gianluca và ctv
(2003) trên trâu của Ý; Guang và ctv (2009) trên trâu Trung Quốc đã sử dụng kết
hợp PGF2α và GnRH (Ovsynch program) đã cho kết quả động dục và Đậu
thai của trâu cao hơn khi sử dụng đơn lẻ một loại hoóc môn. Vì vậy, các nghiên
cứu đã hướng sự chú ý đến việc sử dụng kết hợp các loại hoóc môn như GnRH, FSH,
LH, hCG, prostaglandin, progesterone và estradiol. Trong nước, có một số nghiên
cứu sử dụng hoóc môn để điều trị các rối loạn sinh sản trên bò sữa (Chung Anh
Dũng và cs năm 2007; Trần Thị Loan và cs, 2012) và trên trâu (Mai Văn Sánh và
cs, 2005). Năm 2011 nhóm tác giả Đinh Văn Cải và cộng sự đã công bố kết quả sử
dụng progesterone (dụng cụ CIDR) kết hợp với PGF2α và GnRH động dục
đồng loạt trên trâu đã cho tỷ lệ trâu cái động dục đạt 69,17% và thời gian xuất
hiện động dục tập trung vào 40 giờ sau
xử lý. Tỷ lệ có chửa bằng phối giống nhân tạo sau lần phối giống đầu đạt 48,91%
và sau hai lần phối đạt 64,13%.
Trong
thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2011, nhóm tác giả đã tiến hành chọn lựa
thí nghiệm trên tổng số 103 trâu cái chưa có thai được chọn trong 4 tỉnh Thái
Nguyên (24 con), Thanh Hóa (24 con), Nghệ An (24 con) và Bình Phước (31 con) đã
được chọn vào thí nghiệm. Trâu cái trong mỗi nhóm thí nghiệm được phối giống
nhân tạo một cách ngẫu nhiên tự một trong 3 chương trình hoóc môn khác nhau. Tinh
phối là tinh cọng rạ 0,25 ml nhập từ Ấn Độ. Nhóm 1 (n=35), GnRH (ngày 0), PGF2α
(ngày 7), GnRH (ngày 9). Ngày 10 phối bắt buộc cho tất cả trâu (Fixel – time
Artificial Insemination, TAI). Nhóm 2 (n=35), GnRH (ngày 0), PGF2α (ngày 7),
oestrogen (ngày 8). Ngày 10 phối bắt buộc cho tất cả trâu (TAI). Nhóm 3 (n=33),
CIRD (ngày 0), GnRH (ngày 0), ngày 7 rút CIDR và tiêm PGF2α. Theo dõi lên giống
và phối cho trâu động dục.
Kết
quả thí nghiệm cho thấy trâu cái nội đáp ứng tốt với hoóc môn gây động dục đồng
loạt, tỷ lệ trâu động dục đạt 73,79%, thời gian xuất hiện động dục sau xử lí
38,8 giờ. Tỷ lệ trâu có chửa qua 2 chu kì phối 68,57% trên số trâu xử lí.
Chương trình xử lí kết hợp hoóc môn GnRH+PGF2α+oestrogen và cố định thời điểm
phối 24 giờ sau khi xử lí (TAI) cho kết quả tốt hơn về tỷ lệ trâu có chửa
(68,57%), đơn giản về kỹ thuật, rất phù hợp cho chương trình phối giống nhân
tạo trâu tập trung vào thời điểm trong năm.