Nghiên cứu do Đỗ Võ Anh Khoa - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại Học Cần Thơ thực hiện với mục tiêu phân tích các điểm tình trạng về thành phần hóa học và chất lượng thịt gà Tàu vàng.
Gà Tàu Vàng có xuất xứ từ Trung Quốc, được
du nhập vào Việt Nam khá lâu (Lê Minh Hoàng, 2002) và được nuôi nhiều ở các
tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Gà Tàu Vàng được xem là một trong những giống gà
địa phương của khu vực phía Nam và ưu điểm dễ nuôi, chống chịu bệnh tốt, thịt
thơm - ngon, có khả năng tự kiếm thức ăn trong tự nhiên tốt, dễ thích nghi với
điều kiện chăn thả và bán chăn thả ở mức độ nông hộ. Trong đó, chất lượng thịt
của gà Tàu Vàng được xem là yếu tố chính quyết định giá cao và ổn định, bất
chấp tình hình giá cả thực phẩm luôn có nhiều biên động. Thực tế, có nhiều yếu
tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt gà như giống, giới tính, di truyền, dinh
dưỡng…(Musa et al., 2006; Saxena et al., 2009). Ngoài ra, mối quan hệ giữa tăng
trọng và các điểm chất lượng thịt (pH, WHC, protein, màu sắc, độ mềm…) cũng có
liên quan đến chất lượng thịt gà (Pikul et al., 1987; Knust et al., 1992;
Witkiewicz, 2000). Những gà tăng trọng nhanh sẽ cho thịt chất lượng kém (Saxena
et al., 2009). Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về giống gà Tàu Vàng,
nhưng chỉ thiên về năng suất sinh trưởng, năng suất sinh sản, hiệu quả sử dụng
thức ăn và khả năng tiêu hóa các dưỡng chất,…(Lâm Minh Thuận, 2003; Nguyễn Thị
Thủy và Ogle, 2003; Khang và Ogle, 2004; Hoàng Tuấn Thành và Nguyễn Quốc Đạt,
2008)
Nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm tại
Trại Chăn nuôi Thực nghiệm - Trường Đại Học Cần Thơ nhằm đánh giá chất lượng
thịt của hai dòng gà Tàu Vàng đã được chọn lọc. Kết quả thí nghiệm cho thấy có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về (i) hàm lượng vật chất khô, khoáng tổng số,
béo thô và can-xi thịt đùi cũng như hàm lượng vật khô, béo thô và can-xi thịt
ức giữa hai dòng gà (P<0,05); (ii) hàm lượng béo thô giữa gà mái và gà trống
(P<0,05); (iii) giá trị pH thịt ức tại thời điểm 15 phút, 24 giờ, 48 giờ và
thịt đùi tại thời điểm 15 phút và 24 giờ giữa hai dòng gà (P<0,05); (iv) giá
trị pH giữa gà mái và gà trống (P<0,01); (v) mức độ rỉ dịch của thịt ức tại
thời điểm 48 giờ sau hạ thịt giữa hai dòng gà (P,0,05); (vi) khả năng giữ nước
của thịt ức giữa hai dòng gà (P<0,01).
Nhìn chung, gà mái có hàm lượng béo thô và
mức độ rỉ dịch của thịt cao hơn gà trống, trong khi giá trị pH thì ngược lại. Gà
Tàu Vàng được nuôi với thức ăn hỗn hợp cho gà lông màu của Công ty Cổ phần
GreeFeed Việt Nam có chất lượng thịt tại 13 tuần tuổi khá cao. Thịt của gà Tàu
Vàng có hàm lượng CP đạt 20,52%-23,65%, béo thô đạt 2,36%-5,34%, vật chất khô
28,42%-27,95%, mức độ rò rỉ dịch ít (4,24%-6,18%) và khả năng giữ nước tốt
(17,29%). Kết quả nghiên cứu cũng đã góp phần cung cấp thêm nguồn thông tin có
giá trị về đặc điểm chất lượng thịt của gà Tàu Vàng, hướng đến công tác chon
lọc và nhân giống gà Tàu Vàng có chất lượng trong tương lai.