Một số giải pháp nhằm quản lý và phát triển sản phẩm mang địa danh Kon Tum
Mỗi địa phương, mỗi quốc gia đều có những vùng khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng với những đặc sản riêng. Những đặc sản này đều có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các đặc điểm địa lý độc đáo, ưu việt của địa phương đó. Các đặc sản sẽ được nâng cao giá trị thương mại khi được xây dựng và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) hoặc nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận...
Nhận thức đúng về tầm quan
trọng của quyền sở hữu trí tuệ đối với việc nâng cao chất lượng và khả năng
cạnh tranh của đặc sản địa phương trên thị trường, trong những năm qua Tỉnh Ủy
và UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích các doanh
nghiệp nghiên cứu tạo sản phẩm mới, quảng bá và bảo hộ thương hiệu đặc biệt đối
với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc sản mang địa danh của địa phương. Quyết
định số: 1840/QĐ-UB, ngày 27/12/2004 Quyết định của UBND tỉnh Kon Tum về việc
phê duyệt Chương trình hỗ trợ KH&CN cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Kon Tum; Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy Kon Tum về xây dựng và
phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; Quyết định số:
29/2011/QĐ-UBND, ngày 26/9/2011 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án
xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh
đến năm 2020; công văn số: 2096/UBND-KTTH, ngày 28/11/2011 của UBND tỉnh Kon
Tum về việc triển khai đề án xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và
sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020. Ngoài ra, trong quá trình triển khai,
thực hiện bảo hộ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mang địa danh của Kon Tum Bộ
Khoa học & Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
kịp thời của về chuyên môn và nguồn kinh phí để xây dựng, phát triển quyền sở
hữu trí tuệ đối với đặc sản mang địa danh của địa phương thông qua chương trình
hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (chương trình 68) và hỗ trợ đăng ký sản phẩm
mang địa danh ở nước ngoài. Bên cạnh đó Sở Khoa học và Công nghệ với nhiều hình
thức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có thế mạnh về sản phẩm chủ lực
triển khai thực hiện việc bảo hộ và quảng bá thương hiệu: Bằng nguồn kinh phí
sự nghiệp khoa học hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp xây dựng Hệ thống quản
lý chất lượng; xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá sản phẩm; Hỗ
trợ các doanh nghiệp tham gia Chợ công nghệ thiết bị và Các Hội chợ tôn vinh
sản phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại một số nước trên
thế giới… thế nhưng các doanh nghiệp tại Kon Tum vẫn chưa mạnh dạn để tiếp
cận những chương trình này. Tính đến nay Kon Tum chỉ có 2 Doanh nghiệp
được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu với 4 loại sản phẩm mang địa danh: Rượu
Sâm Việt; Rượu NGOKLINH; Thái Hòa Rượu Ngọc Linh (sâm dây Ngũ vị tử và Cà phê
bột) còn một số sản phẩm khác như: Sâm Ngọc Linh, Chuối rừng Măng Đen, Sim măng
Đen… chưa được cấp giấy chứng nhận. Như vậy so với 63 tỉnh thành trong cả nước
việc quảng bá và bảo hộ thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh
Kon Tum chỉ là con số quá khiêm tốn.
Mặc dù mới được tiếp cận
thị trường trong vài năm gần đây, nhưng các sản phẩm mang địa danh Kon Tum được
công chúng tin tưởng đón nhận và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên nhiều địa
phương trong cả nước. Tại các kỳ Hội chợ, Chợ công nghệ thiết bị... các sản
phẩm này đều được tôn vinh với “Cúp vàng vì sức khỏe cộng đồng”; hàng Việt Nam
chất lượng cao; các bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đối với Sâm Ngọc
Linh hiện nay chưa có nhiều sản phẩm trên thị trường nhưng sâm củ Ngọc Linh
được nhiều người trong nước và trên trế giới biết đến.
Tuy nhiên, việc xây dựng
và đăng ký bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho đặc sản địa
phương không hề đơn giản mà là cả một quá trình đỏi hỏi phải có thời gian, kinh
phí và được tiến hành từng bước. Chẳng hạn như việc xây dựng chỉ dẫn địa lý Sâm
Ngọc Linh đã được bắt đầu năm 2005, đến năm 2011 chỉ được hoàn thành giai đoạn
1. Việc đăng ký bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận là một
công việc khó khăn, phức tạp nhưng việc quản lý, phát triển nhãn hiệu, CDĐL
được bảo hộ còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Điều này đòi hỏi quan tâm của
các cấp, ngành, sự vào cuộc của cả người dân vùng sản xuất, người kinh doanh để
các đặc sản luôn duy trì được chất lượng, từ đó tạo được sức hút trên thị
trường trong nước và ngoài nước.
Để bảo hộ thương hiệu cho
một sản phẩm địa danh là một điều không dễ dàng. Không chỉ là việc chúng ta đã
đăng ký để được bảo hộ mà làm thế nào để trở thành thương hiệu có uy tín. Muốn
vậy, phải giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp Kon Tum
phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, một số doanh nghiệp đi lên từ hộ gia đình chưa có
tầm nhìn dài hạn... Các doanh nghiệp này chỉ tập trung bán thật nhiều nguyên
liệu chưa chú ý đến sản phẩm hoàn chỉnh và chưa xem trọng thương hiệu là một
tài sản có giá trị vô hình.
Một sản phẩm được cấp
chứng nhận bảo hộ nhanh nhất cũng mất 3 năm, nếu là sản phẩm mang chỉ dẫn địa
lý còn nhiều thủ tục đi kèm, nếu doanh nghiệp không kiên trì theo đuổi việc
đăng ký và bảo hộ thương hiệu thì rất khó thành công. Bên cạnh đó các Doanh
nghiệp thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản
phẩm, thiếu vốn đầu tư cho quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ của sản phẩm…;
nhận thức giá trị về quyền sở hữu trí tuệ của một số doanh nghiệp chưa cao nên
công tác xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với
các sản phẩm mang địa danh có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh còn chậm, đặc
biệt đối với sản phẩm Sâm Ngọc Linh (Kon Tum chưa thành lập được Hội sản xuất
chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh để đủ cơ sở quản lý và phát triển chỉ dẫn
địa lý sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ).
Để khắc phục tình trạng
này cần có một số giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo hộ thương
hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Có sự vào cuộc của "bốn nhà” về cơ chế,
chính sách, nguồn vốn, khoa học công nghệ đầu tư cho cây trồng thành những vùng
chuyên canh hàng hóa từ khâu chọn giống cho đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh chung tay phát triển, mở rộng
sản xuất và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm mang địa danh đặc biệt
là Sâm Ngọc Linh: Thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh Sâm Ngọc Linh
để quản lý và phát triển CDĐL “Ngọc Linh” sau khi được cấp chứng nhận. Cuối
cùng phải có chiến lược phòng thủ đối với việc đánh cắp thương hiệu đối với sản
phẩm địa danh
Trong tương lai không xa,
với sự lãnh đạo chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ KHCN, Sở KHCN và những tâm huyết
của các Doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cải tiến công nghệ để nâng cao
chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ của sản phẩm. Nhờ các sản phẩm
mang địa danh, Kon Tum được nhiều địa phương trong cả nước và các quốc
gia trên thế giới biết đến như một vùng đất “tiềm năng” để các nhà đầu tư “dừng
chân”. Đồng thời qua các sản phẩm địa danh đã tăng giá trị của sản phẩm tỉnh
nhà, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tình trạng ép giá của tư thương và
việc xuất thô như những năm trước đây. /.