Xây dựng hệ số ngoại suy sinh khối cho một số loại cây rừng chủ yếu ở Việt Nam
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Viết Xuân, Vũ Tấn Phương - Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường Rừng và Bùi Mạnh Hưng - Trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu nhằm mục tiêu ước tính giá trị BEF và xây dựng các phương trình tương quan giữa BEF và đường kính ngang ngực (DBH) cây cá thể của một số loài cây trồng rừng chủ yếu dựa trên các số liệu giải tích các cây tiêu chuẩn. Các loài cây nghiên cứu bao gồm: Keo lai, keo tai tượng, thông nhựa và thông mã vĩ.
Trong những năm gần đây, biến đổi
khí hậu là một trong những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội,
các kế hoạch phát triển và gây đói nghèo ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt
Nam. Nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu được khẳng định là do sự gia tăng
nhanh chóng nồng độ khí nhà kính (chủ yếu là khí CO2) trong khí
quyển (UNFCCC, 2007). Schimmel và cộng sự (1995) cũng cho rằng tăng nồng độ khí
CO2 và các khí nhà kính khác (KNK) là nguyên nhân chủ yếu gây nên
hiện tượng biến đổi khí hậu và gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất hiện nay.
Bunman và cộng sự (1999) cho rằng nghiên cứu để xác định cơ chế hấp thụ các bon
trong môi trường đã và đang gia tăng, các nghị định quốc tế về hấp thụ các bon
đang được phát triển mạnh mẽ (Brown và cộng sự, 1996). Hiện nay, các chương
trình kiểm kê khí nhà kính quốc gia là một yêu cầu rất cấp thiết đối với mỗi
quốc gia nhằm quản lý và giám sát các nguồn gây khí nhà kính để giảm thiểu các
tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành kinh tế, lĩnh vực xã hội và môi
trường. Hệ số BEF là một trong các hệ số rất quan trọng và phải được nghiên cứu
ở mỗi quốc gia để tính toán sinh trưởng sinh khối hàng năm trung bình, lượng
các bon mất đi do cháy rừng, thiên tai dịch bệnh và thu thập gỗ củi,… trong mỗi
chương trình kiểm kê khí nhà kính. Để đáp ứng yêu cầu các cách tiếp cận bậc cao
để kiểm kê khí nhà kính như Tier 2 và Tier 3, rất nhiều quốc gia như Mỹ, Úc và
Nhật Bản,… đã tiến hành xây dựng hệ số BEF cho cả rừng trồng và rừng thiên
nhiên.
Ở Việt Nam, hầu như chưa có kết
quả nghiên cứu nào cập nhật tới việc xây dựng hệ số BEF của các loại rừng, đặc
biệt là các loại cây rừng trồng để phục vụ các chương trình kiểm kê khí nhà
kính cấp quốc gia; hiện tại mới chỉ có hệ số BEF của thông ba lá (Pinus kesyia) ở khu vực Hoàng Su Phì đã
được xây dựng (Vũ Tấn Phương, 2011). Các chương trình kiểm kê khí nhà kính lần
1 và lần 2 của Việt Nam chủ yếu sử dụng hệ số BEF do IPCC đề xuất cho các quốc
gia mà chưa xây dựng được các hệ số này, do vậy các kết quả kiểm kê chưa đi sát với thực tế và có thể
dẫn đến sai số lớn. Do vậy, nghiên cứu này thu thập và tổng hợp toàn bộ số liệu
gốc của 4 loại cây rừng trồng chủ yếu (keo lai, keo tai tượng, thông nhựa và
thông mã vĩ) của các nghiên cứu trước đây nhằm xây dựng phương trình tương quan
và hệ số BEF, đồng thời kiểm tra tính ứng dụng của nó thông qua các chỉ số
thống kê.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ số
ngoại suy sinh khối giảm dần theo tuổi và có sự khác biệt rất rõ rệt giữa các
giá trị BEF độc lập ở các cấp tuổi khác nhau cho thấy chỉ nên ứng dựng các giá
trị này để tính toán sinh khối và trữ lượng các bon theo cấp tuổi. Kết quả phân
tích cho thấy giá trị của hệ số BEF (±
sd) trung bình của keo lai đạt giá trị nhỏ nhất là 0,873 (± 0,44) Mg/m3, tiếp
đó là keo tai tượng và thông nhựa, giá trị lần lượt là 0,983 (± 0,50) và 1,093 (± 0,48) Mg/m3;
giá trị BEF lớn nhất ở loại thông mã vĩ là 1,134 ( ± 0,90) Mg/m3.
Các trị giá BEF của các loại
trong nghiên cứu này có thế được sử dụng để tính toán hệ số chuyển đổi và ngoại
suy sinh khối trên mặt đất (BCEF) để ước tính thay đổi hàng năm trữ lượng các
bon trong sinh khối trên các diện tích rừng có cùng phân loại bằng phương pháp
khác biệt về trữ lượng (Stock-difference method). Tuy nhiên, trước khi ứng dụng
vào thực tiễn cần thử nghiệm các hệ số này để tính toán thay đổi trử lượng các
bon trong sinh khối trên mặt đất của một loại rừng cụ thể và so sánh với các
phương pháp khác.
Toàn bộ các phương trình tương
quan được lập đều tồn tại (Pa & Pb < 0,01; P <
0,01), tuy nhiên hệ số tương quan của mỗi phương trình là không giống nhau. Đối
với loại keo lai và thông nhựa có thể sử dụng hàm inverse (Y = a + b.ln (X))
cho keo tai tượng và hàm power (Y = a.Xb) cho thông mã vĩ khi mô
phỏng tương quan này với mức độ tương quan chặt với độ tin cậy trên 99%. Ngoài ra, khi so sánh với các phương
trình cùng dạng của các tác giả khác cho thấy không có sự khác biệt nhiều về
mức độ tương quan; tuy nhiên do kiểm tra được dạng phân bổ của DBH và dung
lượng mẫu lớn nên tính ứng dụng của các phương trình được thiết lập trong
nghiên cứu này có thể rộng hơn và tin cây hơn.