"Cá tra Việt Nam chịu mức thuế trừng phạt"
Các doanh nghiệp thuộc VASEP sẽ khởi kiện lên tòa án Hoa Kỳ đề nghị DOC tính lại quốc gia thay thế và áp lại mức thuế cho phù hợp với tình hình sản xuất cá tra của Việt Nam.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), ngày 14/3,
đã ra phán quyết đối với việc lựa chọn nước thứ ba để tính thuế chống bán phá
giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. DOC đã chọn
Indonesia làm nước thứ ba thay thế Bangladesh.
Từ quyết định trên, thuế suất đánh vào
mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam đều
tăng mạnh.
Như Công ty Vĩnh Hoàn, đơn vị có doanh
số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ, từng được hưởng thuế
suất 0%, tới đây sẽ phải chịu mức thuế 0,19 USD/kg, 16 doanh nghiệp khác của
Việt Nam, trong đó có Bình An, Cadovimex, Anvifish, Docifish..., cũng sẽ phải
chịu các mức thuế cao hơn, từ 0,77 - 3,87 USD/kg.
Trước phán quyết của DOC trong cách
tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa của Việt Nam, phóng viên
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Ông có thể
cho biết những phản ứng của các doanh nghiệp thủy sản và VASEP về quyết định
trên của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC)?
Ông Trương Đình Hoè: Theo
tôi, đây không phải là một thông báo về thuế suất bình thường mà là một mức
thuế trừng phạt. Việc chọn Indonesia làm nước thứ ba để tính thuế suất cho cá
tra Việt Nam là không hợp lý.
Trước mắt, VASEP đã có thông cáo báo
chí gửi tới các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước phản đối quyết định của
DOC và nói rõ việc DOC cần xem xét, tính toán lại mức thuế này. Tiếp đến, các
doanh nghiệp thuộc VASEP sẽ khởi kiện lên tòa án Hoa Kỳ đề nghị DOC xem lại
quốc gia thay thế và áp lại mức thuế cho phù hợp với tình hình sản xuất cá tra
của Việt Nam.
Ngoài ra, VASEP đã báo cáo với các cơ
quan của Chính phủ để nhờ hỗ trợ, can thiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy
Hoàng đã có công văn phản đối quyết định trên gửi tới các cơ quan chức năng của
Hoa Kỳ. Đồng thời, yêu cầu Bộ Thương mại Hoa kỳ sửa đổi mức thuế trên.
VASEP đã triệu tập các doanh nghiệp để
bàn về việc ổn định sản xuất và xuất khẩu, các biện pháp tránh làm hoang mang
người nuôi cá…
Phán quyết
của DOC ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra
của Việt Nam?
Ông Trương Đình Hoè:
Năm 2012, xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ đạt 358 triệu USD và đứng thứ
hai sau châu Âu. Vì vậy, ngoài thị trường Hoa Kỳ chúng ta vẫn đang đẩy
mạnh xuất khẩu ở các thị trường khác.
Tuy nhiên, các hợp đồng xuất khẩu sang
Hoa Kỳ đều dừng lại để chờ sự quyết định lại về mức thuế mới nếu không doanh
nghiệp sẽ thua lỗ nặng. Ví dụ, doanh nghiệp Vĩnh Hoàn có doanh số xuất cá tra
lớn nhất vào Hoa Kỳ, trước đây thuế 0% đến nay là 0,19 USD/kg, Các doanh nghiệp
khác như Bình An, Cadovimex… đều phải chịu mức thuế từ 0,77 - 3,87USD/kg thì
không còn lợi nhuận khi mà hợp đồng đã ký vẫn theo giá cũ.
Để phát
triển ổn định và bền vững, không bị động trước các phán quyết như trên, các
doanh nghiệp thủy sản nói chung và cá tra nói riêng cần phải có chiến lược sản
xuất kinh, doanh như thế nào?
Ông Trương Đình Hoè: Trước
hết phải nâng cao chất lượng các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Bản thân các
doanh nghiệp trong ngành phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, xác định được sản phẩm
chiến lược để phát triển.
Trong thời gian tới VASEP sẽ cùng với
các doanh nghiệp xây dựng các cam kết để nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản
nói chung và cá tra nói riêng. Đây mới là cơ sở để tạo ra một hình ảnh,
xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và các nước
khác.
Ông
Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT, khẳng định,
Tổng cục Thủy sản có đủ chứng cứ chứng minh phán quyết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ
về mức thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa.
Thứ
nhất là việc lựa chọn Indonesia làm nước đối chiếu để tính thuế chống bán phá
giá cá tra, cá basa của Việt Nam trong trong đợt rà soát hành chính lần thứ 8
(POR8) là không thuyết phục khi đây là nền kinh tế hoàn toàn khác với nền kinh
tế Việt Nam. Hệ thống số liệu mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ có của Indonesia
cũng không hoàn toàn đại diện đặc trưng cho toàn bộ ngành sản xuất cá của
nước này. Thậm chí ngay cả đối tượng cá da trơn của Indonesia cũng hoàn toàn
khác với cá da trơn nuôi tại Việt Nam.
Đây
mới chỉ là 1 kỳ đánh giá mà thường đánh giá của Hoa Kỳ đối với cá tra, cá basa
là đánh giá hàng năm và quyết định vừa qua là cho giai đoạn từ 1/8/2010 đến
31/7/2011. Điều quan trọng nữa là phải chuẩn bị để lần đánh giá thứ 9 (tức là
thời kỳ từ 1/8/2011 cho đến 31/7/2012) của phía Hoa Kỳ khách quan, phù hợp nhất
đối với thương mại của 2 nước.
Trong
văn bản gửi Quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Rebecca M. Blank, Bộ trưởng Bộ
Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc áp mức thuế chống bán phá giá cá tra của
Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong giai đoạn sơ bộ của POR8, sẽ ảnh hưởng bất lợi đến
các nhà sản xuất Việt Nam, người lao động Hoa Kỳ cũng như người tiêu dùng cá
tra, cá basa Hoa Kỳ.
Bộ
trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét,
cân nhắc đầy đủ các yếu tố, những nguy cơ tiềm tàng để có một quyết định khách
quan, công bằng, đồng thời hài hòa lợi ích của các bên liên quan, và đề nghị
DOC quay lại sử dụng các giá trị thay thế hợp lý của Bangladesh như cách thức
và phương pháp mà DOC đã sử dụng trong giai đoạn điều tra cuối cùng của POR6,
POR7 và trong giai đoạn sơ bộ của POR8 để đưa ra quyết định cuối cùng về thuế
chống bán phá giá cho POR8 đối với sản phẩm cá tra, cá basa Việt Nam.