SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hai ông “vua rác” ở Việt Nam

[01/04/2013 14:26]

Giải thưởng Sở hữu trí tuệ năm nay được trao cho một công ty xử lý rác và một công ty kiếm tiền từ,…rác.

Dây chuyền xử lý chất thải của công ty

Đốt rác làm sạch môi trường

Hiện nay, không chỉ ở thành phố mà tại các vùng quê, rác thải là vấn đề nhức nhối với người dân khi càng ngày các đống chất thải càng chất cao như núi.

Người dân nhiều nơi phản đối làm các bãi rác mới, trong khi công nghệ chôn lấp lac hậu, khó khắc phục ô nhiễm đất và nước,… thì phải có một hướng đi mới trong xử lý chất thải dân sinh này.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thực nghiệm, Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long đã hoàn thành công trình “Quy trình và hệ thống xử lý rác” bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt năng.

Đây là công nghệ lần đầu có mặt tại Việt Nam, đạt công suất đến 500 tấn. Khâu phân loại rác thực hiện việc loại bỏ các thành phần rác không cháy, tăng nhiệt trị của rác trước khi đem vào đốt. Sử dụng phương pháp sấy gia nhiệt, tận dụng sức nóng của lò đốt để sấy khô “đầu vào” là rác,…

Công nghệ chỉ dùng 7% khối lượng dầu DO so với phương pháp thông thường. Tiết kiệm quỹ đất so với công nghệ chôn lấp, xử lý triệt để chất thải, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

Khối lượng chất trơ và tro sỉ sau xử lý đem chôn lấp khoảng 19% khối lượng đầu vào, thấp hơn nhiều các công nghệ khác đang áp dụng trong nước.

Giảm phát thải nhà kính khoảng 75% so với chôn lấp.

Công nghệ và thiết bị do Việt Nam chế tạo nên dễ dàng nhân rộng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương ở Việt Nam.

Biến rơm thành…tiền

Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, nhiều người dân lại đốt rơm, rạ, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhiều nơi còn vứt rơm, rạ xuống ao ngòi, gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết tôm, cá…

Nhưng các biện pháp xử lý rơm, rạ như trồng nấm, làm thức ăn, làm giấy, sản xuất cồn sinh học, che phủ hoa màu,…chưa mang lại hiệu quả cao.

Xuất phát từ yêu cầu giải quyết vấn đề trên, Công ty cổ phần sinh học thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và thành công sau sản xuất chế phẩm Fito – Biomix RR để xử lý rơm, rạ và đưa ra quy trình xử lý tại ruộng với quy mô lớn.

Chế phẩm này gồm các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng, các nguyên tố vi lượng,… có tác dụng bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ, có khả năng phân giải rơm, rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng cho cây trồng.

Chế phẩm được sản xuất ở quy mô lớn nên giá thành hạ (40 nghìn đồng/tấn rơm, rạ), lượng chế phẩm ít (200 gam/tấn rơm, rạ), thời gian xử lý ngắn (25-30 ngày) nên đáp ứng được thời vụ và nhu cầu của nông dân.

Phân ủ hữu cơ sản xuất ra đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm dinh dưỡng, góp phần cải tạo tính chất nông hóa của đất.

Theo tính toán của công ty, nếu một nửa số rơm, rạ được xử lý bằng cách này thì lượng phân hữu cơ thu được khoảng 10 triệu tấn, tương đương xây 1 nhà máy đạm công suất 100 nghìn tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất lân, công suất 95 nghìn tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất kali, công suất 210 nghìn tấn/năm. Lợi nhuận khoảng 5.300 tỷ đồng/năm.

http://vietq.vn (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ