SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Trả lại thương hiệu sản phẩm bị đánh cắp

[19/04/2013 19:56]

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Tạ Quang Minh tại buổi tọa đàm về SHTT vừa tổ chức tại Hà Nội trước những lo ngại nhiều nông sản của VN đang bị nước ngoài đánh cắp thương hiệu.

Người tiêu dùng luôn muốn tìm mua

được sản phẩm rõ xuất xứ, nguồn gốc

Bó tay ngồi nhìn

Năm 2012, Cục SHTT đã tiếp nhận 40.817 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 5,2% so với năm 2011), trong đó 3.959 đơn sáng chế; 298 đơn giải pháp hữu ích; 1.946 đơn kiểu dáng công nghiệp; 29.578 đơn nhãn hiệu; 7 đơn chỉ dẫn địa lý; 7 đơn đăng ký thiết kế, bố trí mạch tích hợp; 4.901 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định VN; 121 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc VN.

Cục đã chấp nhận bảo hộ cho hơn 28.000 đối tượng sở hữu công nghiệp, cấp văn bằng bảo hộ cho gần 26.000 đối tượng. Và từ chối bảo hộ 9.931 đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó 1.324 nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định VN…

Tuy nhiên, tình trạng SX, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm. Các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT lưu thông nhiều trên thị trường gây nguy hại lớn đối với tài sản và sức khỏe người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, rượu, mỹ phẩm, phân bón và hàng điện tử...

Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên và rất khó kiểm soát. Đặc biệt, một số vụ hàng giả gần đây cho thấy có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả; nhất là hàng giả mạo xuất xứ thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước khiến cho cơ quan chức năng rất khó kiểm soát và xử lý.

Người đứng đầu Cục SHTT lo ngại hơn khi hiện nay, một số nhãn hiệu như thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… đang bị cá nhân, DN nước ngoài đánh cắp thương hiệu mà chưa giải quyết được. Nguyên nhân bởi DN VN chưa chú trọng việc đăng ký bảo hộ sản phẩm khi XK ra nước ngoài, nhất là những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…nên thường bị làm nhái, làm giả. 

Theo ông Minh, nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có giá cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhận. Cụ thể chè Mộc Châu giá cao hơn 1,7 - 2 lần chè cùng loại không có bao bì; chè Tân Cương cao hơn 1,5 lần sản phẩm cùng loại không có bao bì; nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương) có bao bì bán giá 27.000 đ/kg (trong khi không có bao bì chỉ 22.000 đ).

Đặc biệt sản phẩm địa lan Đà Lạt với nhãn hiệu chứng nhận “hoa Đà Lạt” đã có 16 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu và có số lượng bán ra thị trường rất tốt. Thời gian tới cơ quan quản lý sẽ cấp tiếp cho 5 loại hoa là hồng, cẩm chướng, lay ơn, cát tường và ly ly có nhãn hiệu chứng nhận này.

“Nhặt lỗi” các quy định về SHTT

Để khắc phục những bất cập trong các quy định về quyền SHTT, theo Cục trưởng Tạ Quang Minh, trong năm 2013 Cục sẽ tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong các văn bản pháp luật, nhất là các thông tư, quy chế có liên quan đến SHTT.

Cục SHTT đang lên kế hoạch xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ lần đầu tiên ở VN, dự kiến sẽ nằm trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Đây sẽ là địa chỉ tin cậy để hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức, DN, cá nhân có thêm nhận thức về tầm quan trọng của SHTT và các quyền cần được bảo hộ khi có sáng kiến mới.

Qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký sở hữu công nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn nộp đơn điện tử. Cục khuyến khích việc khai thác, sử dụng các tài sản trí tuệ thông qua giao dịch, góp vốn đầu tư, chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần và các giao dịch dân sự khác.

Ngoài ra, Cục sẽ tổ chức các khóa đào tạo kết hợp với viện nghiên cứu, trường đại học, DN để đưa thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với kết quả nghiên cứu, ứng dụng gần gũi với cuộc sống.

Trong trường hợp DN có nhu cầu đăng ký bảo hộ sản phẩm ở nước ngoài, Cục sẽ phối hợp để hỗ trợ. Với một số tranh chấp nhãn hiệu sản phẩm ở thị trường nước ngoài, Cục cũng phối hợp để khởi kiện để tìm lại sự công bằng.

http://nongnghiep.vn (lntkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ