Hồ tiêu bị ép giá vì thiếu thương hiệu
Hơn 10 năm liền đứng số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu nhưng lại giảm 40% giá trị vì không có thương hiệu, vì thế việc xây dựng thương hiệu cho loại nông sản này cần hơn bao giờ hết.
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam
nhìn nhận, dù có mặt trên 150 quốc gia trên thế giới nhưng hiện hồ tiêu Việt
Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến, bởi 95% sản lượng hồ
tiêu được xuất khẩu chỉ dưới dạng sản phẩm mới qua sơ chế.
Không những thế, hồ tiêu
Việt Nam khi xuất khẩu còn phải thông qua 3 đối tác chính là Ấn Độ, Trung Quốc
và Mỹ vì vậy khi bán ra thị trường thế giới đều dưới tên nhà sản xuất nước
ngoài. Chính điều này khiến giá hồ tiêu trong nước khi xuất khẩu thường bị thấp
hơn giá bán thành phẩm từ 30% - 40% giá trị.
Theo tính toán của Hiệp
hội hồ tiêu, trong 6 vùng trọng điểm hồ tiêu là Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa
Vũng Tàu, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai thì mới chỉ có duy nhất thương hiệu hồ
tiêu Chư Sê của Gia Lai nên trong nhiều năm vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất
kinh doanh và người trồng hồ tiêu luôn chịu thiệt hại hàng chục triệu USD so
với các quốc gia khác.
Một tồn tại cơ bản của
ngành tiêu hiện nay là việc liên kết người sản xuất, hệ thống thu mua đại lý và
các doanh nghiệp chế biến theo hướng cánh đồng mẫu lớn chưa được chú ý. Do đó,
nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, thu hoạch, chế biến tiêu chưa được
áp dụng đồng bộ và phổ biến cho các hộ trồng tiêu, từ đó đã ảnh hưởng đến phát
triển bền vững trong sản xuất hồ tiêu ở các vùng.
“Giá hồ tiêu xuất khẩu của
chúng ta còn thấp hơn một số nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia… do phải xuất
khẩu qua nhiều khâu trung gian và chủ yếu sản phẩm thô. Việt Nam vẫn đang trên
lộ trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để quảng bá rộng hơn trên
thế giới”.
Cho tới nay, Hiệp hội Hồ
tiêu Việt Nam đã chọn 2 sản phẩm đầu tiên là hồ tiêu Phú Quốc và Chư Sê để
quảng bá thương hiệu. Chính phủ cũng đã phê duyệt hỗ trợ một phần kinh phí cho
hoạt động xúc tiến thương mại này.
Theo báo cáo quy hoạch
ngành hồ tiêu, đến nay cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp thu mua, chế biến và
xuất khẩu hồ tiêu. Trong đó, có 60 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu hồ
tiêu trực tiếp, 13 doanh nghiệp nước ngoài, còn lại là các doanh nghiệp thu
gom, chế biến và cung ứng tiêu cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 17
doanh nghiệp chế biến tiêu lớn, trong đó có 13 nhà máy có dây chuyền xử lý tiêu
bằng hơi nước để tạo ra sản phẩm tiêu chất lượng cao. Còn lại các doanh nghiệp
khác chủ yếu là gia công sơ chế lại sản phẩm bằng dây chuyền tách tạp chất và
phân loại sản phẩm trước khi xuất khẩu. Vì thế, giá tiêu xuất khẩu thấp, chưa
tương xứng với tiềm năng.
Theo báo cáo của Bộ
NNPTNT, hầu hết các hộ sản xuất, thu hoạch tiêu để làm tiêu đen. Ở một số tỉnh,
người trồng tiêu thực hiện phơi sấy bằng phương pháp thủ công, chỉ phơi trên
nền xi măng, sân gạch, vải bạt, thậm chí còn phơi trên nền đất làm hạt tiêu khô
không đều, khi chế biến sọ bị giập vỡ chiếm tỷ lệ cao, chất lượng tiêu đen cất
giữ không giữ được mùi vị bền lâu, thất thoát sau thu hoạch từ 9-10%...