SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tạo các dòng sắn KM94 đột biến bằng phương pháp chiếu xạ tia ion nặng kết hợp với phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.

[28/04/2013 21:47]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Văn Đồng và Lê Huy Hàm (Viện Di truyền Nông nghiệp) thực hiện nhằm khắc phục một số nhược điểm của giống sắn KM94 như phân cành nhiều, dễ đổ và khả năng nhiễm sâu bệnh cao.
Ảnh minh họa

Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) là cây lương thực có củ có thể sống lâu năm thuộc họ Euphorbiacea, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ La Tinh và đươc du nhập vào Việt Nam vào khoảng giữ thế kỷ 18. Cây sắn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng thông qua nhiên liệu sinh học. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) xếp sắn là cây lương thực quan trọng đứng thứ ba ở các nước nhiệt đới chỉ sau lúa gạo và ngô.

Tại Việt Nam, sắn là cây lương thực và là nguồn thức ăn gia súc quan trọng sau lúa và ngô. Sắn với khả năng cung cấp tinh bột cho tổng hợp etanol, là một trong những thành phần chính của nhiên liệu sinh học đã và đang được thế giới nghiên cứu và phát triển tiềm năng này.

Trong số các giống sắn đang được phổ biến tại Việt Nam, giống KM94 chiếm tới hơn 70% tổng diện tích trồng sắn trên toàn quốc. Tuy nhiên, giống sắn KM94 vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như phân cành nhiều, dễ đổ và khả năng nhiễm sâu bệnh cao, đặc biệt là bệnh chổi rồng. Để khắc phục những nhược điểm của giống sắn này, nghiên cứu đã tiến hành chiếu xạ ion nặng lên hạt khô giống sắn KM94 với các liều lượng khác nhau :100 Gy, 200 Gy, 300 Gy và 400 Gy. Phôi của các hạt sắn sau khi được chiếu xạ ở các liều lượng khác nhau đã được tách và nuôi cấy trên môi trường cứu phôi. Các cá thể sống sót sau quá trình nuôi cấy-cứu phôi được ký hiệu là M1. Khoảng 15-20 cây con được tạo ra từ một cá thể M1 phát triển tốt ban đầu bằng phương pháp nhân vô tính và lưu giữ trong ống nghiệm.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, chiếu xạ ion nặng với liều 100 Gy trên đối tượng hạt sắn khô đã tạo ra nhiều biến dị kiểu hình ngay trong giai đoạn phát triển đầu tiên của phôi sắn. Liều chiếu xạ từ 200 Gy trở lên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nảy mầm và đặc biệt là khả năng phát triển của phôi thành cây hoàn chỉnh. Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp chiếu xạ ion nặng kết hợp với phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong công tác cải tạo các giống cây trồng nông nghiệp nói chung và giống sắn KM94 nói riêng.

Tạp chí NN&PTNT, số 5/2013
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ