Nghiên cứu công nghệ chế biến chè Phổ Nhĩ từ nguyên liệu giống chè Shan vùng miền núi phía Bắc.
Đề tài nghiên cứu do tác giả Nguyễn Hữu La và nhóm cộng sự - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm ngư miền núi thực hiện góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam.
Chè là cây công nghiệp dài
ngày có truyền thống lâu đời ở Việt Nam, hiện nay diện tích và sản
lượng chè nước ta đang đứng hàng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu
và giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của chè Việt Nam. Mặt khác,
do nước ta chưa có nhiều thương hiệu chè đủ sức cạnh tranh trên thị trường, sản
phẩm chưa đa dạng mà chủ yếu là các mặt hàng truyền thống, xuất khẩu ở dạng thô
bán thành phẩm (BTP).
Việt Nam có lợi thế về
nguồn nguyên liệu chè Shan dồi dào để sản xuất chè Phổ Nhĩ. ở trong nước đã có
một vài nơi sản xuất chế biến chè Phổ Nhĩ xuất khẩu, nhưng công nghệ chế biến
còn rất đơn sơ chưa được nghiên cứu.
Chè Phổ Nhĩ là loại chè hậu
lên men, bảo quản được lâu và có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe con người.
Quá trình nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trong công nghệ chế biến chè Phổ
Nhĩ từ năm 2009 – 2010 cho kết quả: nguyên liệu các giống chè Shan chọn lọc và
Shan hỗn hợp đều phù hợp để chế biến chè Phổ Nhĩ, trong đó nguyên liệu chè Shan
từ vùng núi cao Hà Giang có chất lượng tốt hơn Yên Bái và Phú Thọ; trong điều
kiện vùng miền núi phía Bắc thời gian ủ chè Phổ Nhĩ thích hợp là 30 ngày; trong
quá trình chế biến chè Phổ Nhĩ, hàm lượng các chất hóa học chủ yếu trong chè
đều giảm và xuất hiện các chủng vi sinh vật có lợi giống như chè Phổ Nhĩ của
Trung Quốc, trong đó chủ yếu là chủng Aspergillus niger chiếm từ 70-80%; phương pháp làm khô thích hợp
nhất đối với chè Phổ Nhĩ là khô tự nhiên bằng nhiệt độ không khí.