Nghiên cứu sử dụng khô bã gấc làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss)
Đề tài do tác giả Trần Thị Nắng Thu-Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu nhằm sử dụng khô bã gấc làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho cá hồi vân giai đoạn nuôi thương phẩm.
Khô bã gấc là sản phẩm phụ
của quá trình ép dầu màng hạt gấc (sản phẩm chính của dầu gấc). Khô bã gấc đã
được nghiên cứu bổ sung 6-9% vào thức ăn của vịt cho kết quả làm tăng tỷ lệ
trứng có phôi và tăng độ đậm màu của lòng đỏ trứng. Trong sản xuất thức ăn cho
cá hồi luôn cần bổ sung chất tạo màu để tạo sác tố vàng cam đặc trưng của thịt
cá hồi, chất tạo màu sử dụng phổ biến là axthaxanthin. Do khô bã gấc có giá trị
dinh dưỡng tương đương với ngô vàng loại tốt nên việc nghiên cứu ảnh hưởng của
tỷ lệ bổ sung khô bã gấc đến tăng trưởng của cá hồi là rất cần thiết.
Khô bã gấc được sử dụng
trong nghiên cứu này có hàm lượng protein 11,2% và lipit 13,1%. Bốn thức ăn thí
nghiệm có bổ sung khô bã gấc với các tỷ lệ 5%, 10%, 15% và 20% được sử dụng để
nuôi cá hồi kích cỡ ban đầu 600 g/con lên kích cỡ thương phẩm 1 kg/con. Thức ăn
nhập khẩu từ Phần Lan được sử dụng để so sánh với bốn thức ăn thí nghiệm trên.
Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt về thu nhận thức ăn, tốc độ tăng trưởng
và hệ số sử dụng thức ăn của cá hồi vân cho thức ăn có tỷ lệ bổ sung khô bã gấc
5%, 10%, và 15%. Tăng tỷ lệ khô bã gấc lên 20% làm giảm tốc độ tăng trưởng, thu
nhận thức ăn và hệ số sử dụng thức ăn của cá. Thức ăn Phần Lan cho kết quả tăng
trưởng cao nhất và hệ số thức ăn thấp nhất (FCR 1,05). Màu sắc của cá hồi sử
dụng thức ăn chứa 15% và 20% khô bã gấc tương tự như màu sắc của cá hồi sử dụng
thức ăn nhập khẩu từ Phần Lan. Bước đầu, khô bã gấc có thể được sử dụng làm
chất tạo màu trong sản xuất thức ăn cá hồi với tỷ lệ bổ sung 15%. Ở tỷ lệ bổ
sung 15% cá cho tốc độ tăng trưởng tuyệt đối ADG 2,78 g/con/ngày, hệ số thức ăn
FCR 1,25.