Việt Nam triển khai xây chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia
Ngày 7/5 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo về xây dựng và triển khai Chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia với sự tham dự của các chuyên gia về sở hữu trí tuệ đến từ Canada, Kenya, WIPO và Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu
đã nghe các chuyên gia giới thiệu về tầm quan trọng của Chương trình sở hữu trí
tuệ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó chú trọng việc xác định mục
tiêu, xây dựng cơ chế phối hợp cấp quốc gia, đánh giá nguồn nhân lực và lợi thế
so sánh của mỗi quốc gia cũng như việc đánh giá những lĩnh vực ưu tiên.
Việc giải quyết các vấn đề
chính sách quan trọng thông qua Chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia như thiết
lập mối quan hệ chiến lược giữa sở hữu trí tuệ với các lĩnh vực khác như môi
trường, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ..., kinh nghiệm của một số nước trong
các lĩnh vực trên cũng đã được các đại biểu quan tâm tìm hiểu.
Theo các chuyên gia,
Chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia có vai trò quan trọng trong phát triển
kinh tế-xã hội. Chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia mang tính chất tổng thể,
được triển khai thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan
nhằm khai thác công nghệ mới và sản phẩm sáng tạo. Mục tiêu của việc xây dựng
Chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia là đề ra một kế hoạch giúp tất cả các chủ
thể trong nước có thể cùng hợp tác sáng tạo, sở hữu và khai thác các kết quả
nghiên cứu, các sáng kiến, công nghệ mới và các thành quả sáng tạo...
Dự thảo Chương trình sở
hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của WIPO. Chương
trình tập trung vào các nội dung: tăng cường chính sách và khuôn khổ sở hữu trí
tuệ; nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách thức sử dụng nhãn hiệu, bản quyền và
các quyền sở hữu trí tuệ khác; tăng cường các dịch vụ về quản trị nhãn hiệu,
bản quyền và các quyền sở hữu trí tuệ khác cho doanh nghiệp, nhà sáng tạo và
sáng chế; tăng cường năng lực thực thi các quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở
hữu, cơ quan thực thi và cơ quan tư pháp...
Hiện nay, WIPO đã và đang
hỗ trợ nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng và triển khai Chương trình sở hữu
trí tuệ, không chỉ giúp quốc gia đó sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ một cách tối
ưu và hiệu quả mà còn xây dựng một khuôn khổ hợp tác hiệu quả giữa quốc gia đó
và WIPO trong việc cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật về các vấn đề liên quan đến sở hữu
trí tuệ.../.