SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hiệu quả phân bón-dài hạn cho lúa tại Viện nghiên cứu lúa quốc tế

[19/05/2013 22:42]

Nghiên cứu do Roland J. Buresh và Teodoro Correa, Jr thực hiện trên đất lúa có tưới ở Philippines nhằm mục tiêu nghiên cứu hiệu quả sử dụng phân N đối với lúa (Oryza sativa L.) bao gồm việc điều chỉnh thời gian bón phân N phù hợp với nhu cầu của cây và điều chỉnh lượng phân phù hợp với năng suất dự kiến sẽ đạt. Năng suất này được xác định từ sự chênh lệch giữa năng suất đạt được do có bón N và năng suất đạt được do không bón N.

Thí nghiệm tiến hành trong tám năm trên lúa có tưới ở Philippines cho thấy chế độ nước trong thời gian chuyển vụ (từ khi thu hoạch vụ trước tới khi xuống giống vụ sau) ảnh hưởng đến khả năng cung cấp N bản địa (N có sẵn trong đất) và năng suất lúa đạt được từ lượng phân N bón vào cho vụ tiếp theo.

Ước tính lượng phân đạm khác biệt dao động khoảng 95 kg N/ha do biện pháp xử lý trong thời gian chuyển vụ. Mặt khác, việc giữ lại các tồn dư rơm rạ trong ruộng, không ảnh hưởng tới năng suất gia tăng từ việc bón phân N.

Phân tích đất theo phương pháp truyền thống không có khả năng dự đoán ảnh hưởng của nước tưới và quản lý tồn dư rơm rạ tới nhu cầu phân N. Khi được cung cấp đầy đủ phân bón trong mùa khô ở thí nghiệm dài hạn tiến hành liên tục (LTCCE) trong 20 năm qua, năng suất lúa dao động trong khoảng từ 6,5 đến 9,5t/ha. Năng suất thực tế có khuynh hướng song song với năng suất tiềm năng được xác định bởi mô hình Oyrza2000 bằng cách sử dụng các số liệu khí hậu thời tiết hàng ngày và đặc điểm hình thái của các giống lúa.

Điều này minh chứng có sự liên quan giữa năng suất lúa với lượng phân N tối hảo phụ thuộc vào khí hậu thời tiết. Trong trường hợp đó, thực hiện sự gia tăng hiệu quả của phân N bằng cách dự đoán khí hậu tời tiết để ước tính năng suất lúa do khí hậu thay đổi và lượng phân bón N cho vụ sắp tới.

Lượng phân bón theo đó điều chỉnh theo sự thay đổi thời tiết cần được thông báo nhanh chóng cho nông dân và các nhà phân phối phân bón biết.

Trong một thí nghiệm dài hạn, người ta thấy rằng lượng P dễ tiêu gia tăng khi phân P bón vào trong đất, điều này phản ánh lượng P bổ sung lớn hơn lượng P lấy đi. Lượng K trao đổi giảm dần theo thời gian canh tác, khi tồn dư rơm rạ được lấy đi, ngay cả khi có bón phân K. Việc lưu giữ tồn dư rơm rạ không làm giảm nhu cầu phân N hoặc tăng năng suất lúa trên đất sét ngập nước với lượng K trong đất tương đối lớn, nhưng việc giữ lại tồn dư rơm rạ về lâu dài có thể làm giảm đáng kể nhu cầu phân K.

KY HT Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng phân bón ở Việt Nam năm 2013
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài