Rau xanh là một trong những loại thực phẩm cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của mọi người, góp phần đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Với tầm quan trọng đó, nên việc sản xuất rau an toàn là một yêu cầu hết sức cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hiện nay, việc người dân
lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng rau xanh diễn ra khá phổ
biến, điều đó đã gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc
hình thành mô hình sản xuất theo hướng an toàn nhằm cung ứng nguồn rau xanh,
sạch cho thị trường, đảm bảo sức khỏe là việc làm hết sức cần thiết. Khi đó, sẽ
từng bước hình thành vùng sản xuất rau an toàn trọng điểm của tỉnh, góp phần
xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất
rau an toàn cho vùng rau trọng điểm của tỉnh Hậu Giang” do ông Phạm Hoài An, Giám
đốc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang làm chủ nhiệm được triển
khai nhằm đáp ứng yêu cầu trên.
Với
500m2 đất trồng rau theo hướng an toàn, mỗi tháng gia đình bà Chi
thu được từ 3 đến 4 triệu đồng.
Từ xưa đến nay, người
trồng rau trong tỉnh vốn đã quen với phương thức sản xuất truyền thống, canh
tác đại trà, chăm sóc theo kiểu dân gian, cứ thấy rau bị sâu bệnh tấn công thì
phun thuốc để phòng trừ. Do đó, chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực
vật. Chính vì vậy, để thay đổi tập quán canh tác của người dân, chính quyền địa
phương cùng với chủ nhiệm đề tài đã tiến hành vận động mọi người sản xuất rau
theo hướng an toàn, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi tham gia mô
hình, bà con nông dân đã được tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật để trồng rau
an toàn nhằm thu được hiệu quả cao nhất, từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Đồng thời, tạo được sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Trong quá trình thực hiện
đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn ở các huyện, như:
Vị Thủy, Phụng Hiệp và Châu Thành A. Để đảm bảo rau an toàn về mặt chất lượng
đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và chỉ được
sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cho phép. Bà Ngô Bé
Chi, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Nếu như trước kia, chúng tôi
còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sâu bệnh trên rau, thì hiện
nay đã được thay thế bằng thuốc sinh học nhằm có thể tiêu diệt mầm bệnh, đồng
thời đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng. Từ đó, góp phần nâng cao
chất lượng sản phẩm”. Theo tính toán của bà Chi, với 500m2 trồng rau các loại,
như: cải xanh, rau muống, húng lũi, hàng tháng gia đình bà có thể thu về được
từ 3 đến 4 triệu đồng. Vì vậy, cuộc sống gia đình bà được đảm bảo.
Khi tham gia mô hình sản
xuất rau an toàn, không chỉ tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất, giảm ngày
công lao động cho người dân, mà sản phẩm đưa ra thị trường còn đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm, nên được nhiều người ưa chuộng, nhờ đó bán được giá cao. Ông
Lê Văn Xuyên, ở ấp Nhất, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình
tôi đã gắn bó với nghề trồng rau từ nhiều năm, nhưng chủ yếu sản xuất theo
phương thức truyền thống. Từ khi sản xuất theo mô hình mới đã giúp gia đình tôi
thu được nguồn lợi nhuận cao hơn so với trước. Ngoài ra, còn tiết kiệm được ngày
công lao động nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào quá trình canh tác. Do đó,
thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục gắn bó với mô hình trồng rau an toàn, góp
phần phát triển kinh tế gia đình”.
Theo ông Phạm Hoài An,
Giám đốc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, kết quả thu được của
đề tài sẽ giúp người dân trong tỉnh có điều kiện tiếp cận với phương pháp sản
xuất mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác bấy lâu nay để tạo ra sản phẩm
sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với hiệu quả thiết thực mang lại, thời
gian tới mô hình sản xuất rau an toàn sẽ ngày càng phát triển và được nhân rộng
trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe
cho người dân.
Có thể thấy, hiệu quả về
kinh tế chỉ là một phần mà mô hình sản xuất rau an toàn mang lại, quan trọng
hơn là tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động
của người nông dân. Qua đó, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh,
chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để duy trì phát triển.