Đó là khẳng định của những hộ trong làng mai Nhơn An (An Nhơn, Bình Định). Cơ sở tạo nên hướng đi này chính là nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An” do cục Sở hữu trí tuệ trao cho làng mai Nhơn An hồi cuối tháng 1 năm nay.
Làng mai Nhơn An. Ảnh: baobinhdinh.com.vn
Xã Nhơn An hiện có hơn
2.200 hộ dân tham gia trồng mai, trong sáu thôn thì đã có năm thôn (Tân Dương,
Thuận Thái, Thanh Liêm, Trung Định và Háo Đức) được tỉnh Bình Định công nhận là
làng nghề truyền thống trồng mai cảnh. Mai được xem là cây trồng chủ lực ở xã
này sau cây lúa khi mỗi năm mang về cho nhân dân địa phương từ 6 - 8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khoảng hai năm về trước, câu chuyện trồng mai ở đây luôn nhức nhối
bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất.
Năm 2008, chương trình
Semla (chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Thuỵ Điển về tăng cường năng lực
quản lý đất đai và bảo vệ môi trường) về Nhơn An mang đến cho người dân ở đây
về giấc mơ làng mai sạch. Sau gần một năm triển khai, chương trình Semla về cơ
bản coi như “phá sản”.
Tuy chưa đem lại hiệu quả
như kế hoạch, Semla đã tạo bước đệm cho phát triển cây mai theo hướng sạch.
Trước tình hình đó, sở Khoa học và công nghệ Bình Định đã giao cho trung tâm
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện đề tài Xây dựng mô hình sản xuất
cây mai vàng chất lượng cao theo hướng chuyên canh, hàng hoá.
Th.S Lê Thị Kim Đào, chủ
nhiệm đề tài, cho biết: “Mục đích của chương trình là thay đổi thói quen trồng
mai của người dân theo hướng truyền thống, dùng thuốc hoá học sang kỹ thuật
hiện đại và dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
và bảo vệ sức khoẻ cho người trồng mai cũng như nhân dân trong vùng”.
Đề tài được triển khai vào
năm 2010 với 10.000 chậu mai từ 1 – 3 tuổi của mười hộ dân. Sau 24 tháng, kết
quả nghiệm thu công trình rất khả quan khi hầu hết hộ trồng mai, thậm chí là
những hộ không tham gia trồng thí điểm đều chuyển sang hướng mai sạch. Ông Phan
Văn Sáu (thôn Thanh Liêm), người tham gia thí điểm với 1.000 gốc mai, cho biết:
“Tuy chi phí để trồng mai hơi cao hơn trước, nhưng bù lại môi trường được sạch
hơn và sức khoẻ của chúng tôi cũng được đảm bảo”.
Ông Nguyễn Trí Tuấn (thôn
Thanh Liêm), người có 1.500 chậu mai thí điểm, kể: “Trước đây sau khi phun
thuốc thì phải mất khoảng bảy ngày mới dám ra uốn mai. Đó là chưa nói đến khi
mỗi lần phun thuốc là tức ngực, đau đầu… mưa xuống hoặc sau khi tưới nước thì
mùi chất hoá học lại bốc lên. Giờ dùng thuốc sinh học thì chỉ sau hai ngày là
có thể tiếp cận vườn mai, không lo bệnh tật”.
Từ thành công của đề tài,
sở Khoa học và công nghệ Bình Định đã nộp đơn lên cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký
nhãn hiệu mai vàng chất lượng cao cho làng mai Nhơn An.