Nghiên cứu sản xuất giống cá Chạch sông
Nghiên cứu do tác giả Trần Thị Thúy Hà và nhóm cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản 1 thực hiện, nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu về con giống cho nuôi thương phẩm cũng như bảo tồn và tái tạo nguồn lợi tự nhiên loài cá có giá trị này.
Ảnh minh họa
Cá Chạch sông (Mastacembelus
armatus) là loài cá quý có giá trị kinh tế, phân bố ở các hệ thống sông
thuộc các tỉnh từ Bác tới Trung Nam
bộ nước ta. Cá Chạch sông là loài ăn tạp, chủ yếu bắt mồi vào ban đêm, thức ăn
là các sinh vật đáy, các loài giun, ấu trùng và côn trùng trưởng thành, tôm
tép, thậm chí cá con cùng với mùn bã hữu cơ và một số loài thực vật.
Bằng phương pháp nuôi vỗ
thành thục, kích thích sinh sản và ương nuôi cá Chạch sông. Kết quả cho thấy,
cá Chạch sông thành thục tốt trong điều kiện nuôi vỗ nhân tạo với thức ăn là cá
tạp, tỷ lệ thành thục đạt từ 68,2 đến 81,8% (trung bình đạt 75,7%) đối với cá
cái và 100% đối với cá đực. Sử dụng hỗn hợp kích dục tố gồm 3mg não thùy thể cá
chép và 600 IU HCG tiêm cho 1kg cá cái; liều tiêm cho cá đực bằng 1/5 liều tiêm
cá cái và tiêm một lần cùng với thời điểm liều tiêm quyết định cho cá cái cho
tỷ lệ cá đẻ cao.
Để thụ tinh và ấp trứng cá
Chạch sông đạt hiệu quả cao, nên áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo và dải
trứng vào giá thể đặt trong hệ thống bể kính (40 x 60 x 30 cm) với tỷ lệ nở
trung bình 67,7%.
Mật độ phù hợp cho ương
nuôi cá Chạch sông từ cá bột lên cá hương và từ cá hương lên cá giống lần lượt
là 800 con/bể (50 lít/bể) và 1.500 con/bể (3 m3/bể). Tỷ lệ sống sau
60 ngày của cá bột lên cá hương đạt 92,50% và sau 45 ngày của cá hương lên cá
giống đạt 93,40%.
Việc xây dựng thành công
quy trình sản xuất giống nhân tạo cá Chạch sông tạo tiền đề vững chắc cho việc
chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở, đẩy nhanh quá trình phục hồi và tái tạo
quần đàn cá trong tự nhiên.