Quyền của người tiêu dùng phải gắn với trách nhiệm DN
Mặc dù các cơ quan chức năng và người tiêu dùng đã vào cuộc song thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí ngày càng tinh vi, xảo quyệt với quy mô lớn hơn làm phương hại đến thương hiệu của nhau và người tiêu dùng, trong khi Nhà nước lại thất thu về thuế.
Việc vi phạm xảy ra trên hầu khắp các địa
phương, nhất là tại các thành phố lớn, đô thị nơi có sức mua cao và ổn định.
Chưa có số liệu chính xác nào về tổn thất về vật chất, nhưng những thiệt hại về
sức khỏe, thậm chí đe dọa về tính mạng của người tiêu dùng thì đã rõ và được đề
cập liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng và dư luận.
Đây là những nội dung chính được bàn
thảo tại tại Hội nghị "Quyền của người tiêu dùng- trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp và chương trình doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng" tổ chức
sáng 27-5 tại Hà Nội.
Chế tài chưa đủ mạnh
Đại diện người tiêu dùng, ông Hoàng
Văn Phái, Hai Bà Trưng- Hà Nội chia sẻ: Sau khi xem quảng cáo, tôi đã đến cửa
hàng ở Kim Liên mới được bác sĩ khám và bán cho 10 hộp thuốc Tâm não khang điều
trị tai biến mạch máu não trị giá 3, 7 triệu đồng. Tuy nhiên, về nhà uống thì
chân phải của tôi bị phù nề, sưng to mãi không khỏi. Tôi quyết định không uống
nữa và gửi đơn khiếu nại đến Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt
Nam nhờ can thiệp hộ.
Với sự hỗ trợ của văn phòng khiếu nại
của Vinastas tôi đã được công ty Khải Việt trả lại số tiền các hộp thuốc đã uống
và cam kết sẽ theo dõi bệnh tình cũng như có biện pháp xử lý nếu hậu quả xấu
xảy ra. Tuy nhiên, 1 tuần sau chân tôi vẫn chưa thuyên giảm và phù nề nặng nên
công ty lại trả cho tôi thêm 2 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh và nói là hết
trách nhiệm. Do đó, đại diện cho người tiêu dùng, tôi cho rằng mọi người cần
tỉnh táo và thận trọng khi mua hàng hoá và dịch vụ cho mình.
Cùng với đó, các cơ quan truyền thông
nên xác minh thông tin về tính trung thực, chính xác của sản phẩm quảng cáo trước
khi đăng tải. Ngoài ra, Vinastas cần thêm các chế tài đủ mạnh và đề xuất với
Nhà nước những biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hữu hiệu nhất.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng
Giám đốc- Sài gòn Food, người tiêu dùng luôn là đối tượng được pháp luật bảo vệ
tuy nhiên kết quả của việc này chưa được như ý, còn thấp xa so với yêu cầu thực
tiễn và của người tiêu dùng. Nguyên nhân chủ quan do lực lượng mỏng, còn thiếu
chế tài- quy định pháp lý đủ mạnh để có thể xử lý nghiêm và xóa bỏ được vấn nạn
này. Đặc biệt, hiện lực lượng chuyên trách để tiếp thu các vụ việc, trực tiếp
giải quyết những vụ việc còn rất thiếu về quân số và chưa đạt yêu cầu về nghiệp
vụ, nhất là chưa thể đạt trình độ chuyên nghiệp.
Trong khi đó, trang thiết bị cũng còn
sơ sài và thiếu. Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Hiệp
hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cũng chưa thể cũng chưa phát
huy hết chức năng, chủ yếu mới dừng ở việc hòa giải, thương lượng giữa các bên
liên quan. Bên cạnh đó, dư luận lại chưa tỏ rõ quan điểm, chưa thống nhất và
tạo ra làn sóng đủ mạnh để lấn át và triệt tiêu các vụ vi phạm về quyền của
người tiêu dùng.
Cần hoàn thiện công tác quản
lý Nhà nước
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu
dùng (NTD), bà Lê Thị Thanh Lâm đề xuất: Đối với những cơ quan có thẩm quyền thì
việc kiểm tra, kiểm soát nên thường xuyên chặt chẽ hơn nữa để những sản phẩm
không đạt tiêu chuẩn tràn lan như hiện nay.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký
Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Vấn đề cốt lõi
hiện nay là hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng
xuyên suốt từ trung ương đến địa phương mà Sở Công Thương là cơ quan được giao
nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Ngoài ra, cần tăng cường ý thức của cả
người sản xuất- chế biến và tiêu thụ, tuyên truyền sự cần thiết chấp hành quy
định của Nhà nước và khuyến khích sự phát hiện, đấu tranh với các vi phạm quyền
của người tiêu dùng trên diện rộng; nâng cao năng lực và kỹ thuật xét nghiệm,
phân tích mẫu sản phẩm. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng
là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Vì thế, Nhà nước cần khuyến khích nhân
dân tham gia các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện pháp luật về bảo
vệ người tiêu dùng. Mặt khác, phát hiện và khuyến cáo cộng đồng về hàng hóa,
dịch vụ có chất lượng hoặc độ an toàn thấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường
và sức khỏe của người tiêu dùng và các thương nhân có dấu hiệu không thực hiện
đúng trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng cũng là việc cần làm ngay.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải
trung thực khi khiếu nại, khiếu nại đúng và có cơ sở bởi như vậy mới là sự đóng
góp cho doanh nghiệp và giúp họ phát triển. Để hạn chế và giải quyết nhanh các
trường hợp người tiêu dùng lợi dụng, hoạt động của Hội phản ánh sai thực chất
chất lượng hàng hoá nhằm mục đích đòi tiền doanh nghiệp, hạ uy tín doanh nghiệp
gây cạnh tranh không lành mạnh thì doanh nghiệp nên phối hợp với Hội và cùng
nhanh chóng giải quyết giúp doanh nghiệp kết thúc vụ việc mà ít ảnh hưởng đến thời gian và uy tín của họ./.