Sự vấy nhiễm vi khuẩn Salmonella trên sản phẩm gia cầm tại Hậu Giang.
Đề tài do tác giả Trần Ngọc Bích, trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định tỷ lệ nhiễm Salmonella trên sản phẩm gia cầm (thịt và trứng gà – vịt) tại tỉnh Hậu Giang cũng như xác định nguồn gốc của sự vấy nhiễm này.
Ảnh minh họa
Với nguồn nguyên liệu
nghiên cứu là 961 mẫu (156 mẫu thân thịt, 210 mẫu vỏ trứng, 210 mẫu lòng đỏ
trứng, 334 mẫu phân, 43 mẫu nước và 8 mẫu dụng cụ chuyên chở gia cầm) được thu
thập để kiểm tra vi khuẩn Salmonella từ tháng 01 đến tháng 11 năm 2011
tại hộ chăn nuôi, lò mổ và chợ tỉnh Hậu Giang.
Nghiên cứu đã khảo sát tỷ lệ nhiễm Salmonella trên thịt, trứng, phân, dụng cụ
chuyên chở và nước dùng giết mổ gia cầm; nghiên cứu xác định 2 chủng S. enterritidis
và S. typhimurium chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm; và đánh giá mức độ vệ
sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm gia cầm theo tiêu chuẩn vi sinh vật của
thịt tươi (TCVN – 7046:2009).
Kết quả nghiên cứu đã xác
định được sự vấy nhiễm vi khuẩn Salmonella trên thịt và trứng gia cầm
lần lượt là 26,92% và 10,48%; trong đó, tỷ lệ nhiễm trên vịt (18,91%) luôn cao
hơn gà (15,50%). Đã xác định được nguyên nhân gây vấy nhiễm trên thịt gia cầm
là do nước dùng trong giết mổ (65,12%), dụng cụ chuyên chở (75,00%) và phân gia
cầm (23,50%). Trong tổng số 576 mẫu thịt và trứng gia cầm đã khảo sát có 86 mẫu
nhiễm vi khuẩn Salmonella, chiếm tỷ lệ 14,93%; điều này cho thấy sản
phẩm gia cầm chưa đạt vệ sinh an toàn thực phẩm về chỉ tiêu vi sinh vật theo
tiêu chuẩn Việt Nam số 7046/2009 QĐ-Bộ Y tế. Đặc biệt còn có sự hiện diện của
chủng S. entertidis trên thịt gia cầm (1,92%), đây là chủng vi khuẩn có
liên quan đến ngộ độc thực phẩm ở người.
Sản phẩm gia cầm
(thịt-trứng) có thể là nguồn truyền lây quan trọng của vi khuẩn Salmonella cho
người tiêu dùng, nếu sản phẩm gia cầm không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm.