Đánh giá chất lượng của tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) bao màng chitosan trong quá trình bảo quản.
Nghiên cứu do các tác giả Bùi Thị Quỳnh Hoa và Dương Thị Phượng Liên (Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Ảnh minh họa
Việt Nam có tiềm
năng sản xuất và xuất khẩu hải sản lớn, đặc biệt là sản phẩm tôm. Tuy nhiên,
đông lạnh tôm luôn gặp khó khăn về tổn thất khối lượng trong quá trình cấp đông
và trữ đông. Tổn thất trong quá trình cấp đông thường khoảng 2%. Vì vậy, hạn
chế tổn thất xảy ra trong quá trình cấp đông sẽ đem lại một nguồn lợi nhuận lớn
cho các nhà máy chế biến thủy sản. Và hơn thế nữa, việc nhiễm vi sinh vật trong
sản phẩm tôm xuất khẩu đã gây ra tổn thất nghiêm trọng không những về kinh tế
mà còn về thương hiệu hàng Việt Nam.
Cùng với các đặc tính ưu
việt của chitosan như có hoạt tính sinh học cao, có khả năng bám dính tốt, khả
năng kháng khuẩn, kháng nấm và hơn thế nữa chitosan còn có ưu điểm là độ tính
thấp, có khả năng hòa hợp với cơ thể người và tự phân hủy. Do đó, việc nghiên cứu
bao màng chitosan cho các sản phẩm thủy sản nói chung và mặt hàng tôm thẻ cấp
đông nói riêng là một vấn đề cần thiết.
Ảnh hưởng của màng
chitosan phân tử lượng thấp đến chất lượng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus
vannamei) PTO trong quá trình bảo quản lạnh được tiến hành nghiên cứu. Các
mẫu tôm PTO được nhúng trong dung dịch chitosan với nồng độ từ 0%, 0,5%, 1,0%
và 1,5%; sau đó được bảo quản lạnh ở nhiệt độ (0±1oC) trong 10 ngày.
Các chỉ tiêu như vi sinh vật (tổng số vi khuẩn), hóa lý (tổn thất khối lượng,
cấu trúc, màu sắc) và cảm quan được sử dụng để đánh giá chất lượng của mẫu đối
chứng và mẫu xử lý. Kết quả đánh giá cho thấy rằng tôm PTO bao màng chitosan
phân tử lượng thấp 1,0% có thời gian sử dụng lâu hơn cũng như chất lượng tốt
hơn khi so sánh với các mẫu khác trong quá trình bảo quản lạnh.