Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm
Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý không những tạo cơ hội về kinh doanh, thương mại, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình văn minh hóa nông thôn và duy trì văn hóa truyền thống của các vùng, khu vực, quốc gia…Tuy nhiên, theo thống kê, nước ta có gần 1.000 sản phẩm thuộc loại đặc sản nông nghiệp, nhưng hiện mới chỉ có 35 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý…
Liên quan đến các vấn đề
về chỉ dẫn địa lý, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Nam, Phó Cục
trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Dưới đây là nội dung cuộc trao
đổi…
- PV: Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn
địa lý có ý nghĩa như thế nào với các sản phẩm, hàng hóa, thưa ông?
Ông Trần Hữu Nam:
Ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa
rất quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy quá trình văn minh hóa nông thôn và
duy trì văn hóa truyền thống của các vùng, khu vực, quốc gia. Đăng ký chỉ dẫn
địa lý cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn,
vùng khó khăn, vùng núi, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của
người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký.
- Một sản phẩm muốn được bảo hộ
chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước cần đảm bảo những yêu cầu cụ thể nào?
- Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)
năm 2005 quy định: sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc từ khu vực,
địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm mang
chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa
lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa
lý đó quyết định.
Thời hạn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại
Việt Nam quy định: trong thời hạn một tháng kể từ ngày nộp đơn, sẽ có thông báo
chấp nhận đơn hợp lệ về thủ tục. Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày hợp lệ, đơn
sẽ được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp. Trong thời hạn 6 tháng kể từ
ngày công bố đơn sẽ có kết quả là có được bảo hộ hay không.
Còn ở nước ngoài, nếu đăng ký chỉ dẫn địa lý vào quốc
gia hay khu vực nào phải đáp ứng điều kiện quy định của khu vực, quốc gia đó.
Cần nghiên cứu, tìm hiểu tất cả những quy định của khu vực hoặc quốc gia đó
trước khi nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thời hạn đăng ký chỉ dẫn địa lý ở
nước ngoài phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện của hồ sơ.
- Việt Nam đang có hàng nghìn loại
nông sản có khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng hiện mới có 35 sản phẩm đã
được đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó có 3 chỉ dẫn đăng ký ở nước ngoài. Vậy
theo ông, nguyên nhân của hiện trạng này là gì?
- Theo thông báo của các địa phương
thì chúng ta đang có gần 1.000 sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm phi nông
nghiệp, đồ uống có khả năng đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận
và chỉ dẫn địa lý. Nhưng các sản phẩm, đặc sản đó có được đăng ký chỉ dẫn địa
lý hay không phải phụ thuộc vào sản phẩm đó có đáp ứng các điều kiện quy định
của pháp luật. Hơn nữa, các quy định của pháp luật để công nhận chỉ dẫn địa lý
không phải đơn giản như đăng ký một nhãn hiệu. Bởi vậy, tiềm năng thì nhiều
nhưng không phải sản phẩm nào cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu.
Còn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài,
đúng là chúng ta có nhiều sản phẩm đáp ứng điều kiện hoặc đã được đăng ký tại
Việt Nam nhưng chưa được quan tâm để có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước
ngoài. Đây cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu, hỗ trợ, thúc đẩy để các sản phẩm
này được đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.
Con số nói trên đúng là chưa cao nhưng
có thể nói tình hình đăng ký chỉ dẫn địa lý đang có chiều hướng tăng lên và
nhận thức của cơ quan quản lý cũng như hiệp hội các nhà sản xuất, người dân ở
các địa phương đã được nâng cao rất nhiều, họ cũng đã thấy được giá trị cũng
như những lợi ích của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thông qua các chương trình
truyền thông, trợ giúp của Nhà nước.
- Thưa ông! Ngoài Chương trình hỗ trợ
phát triển tài sản trí tuệ, hiện còn có những chính sách hay giải pháp nào hỗ
trợ việc bảo hộ và chỉ dẫn địa lý sản phẩm hay không?
Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề
phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, doanh nghiệp, các nhà sản xuất và kinh
doanh. Chính phủ đã có Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (gọi tắt
là Chương trình 68) đã được triển khai theo 2 pha, mỗi pha 5 năm (2005 – 2010,
2011 – 2015). Ngoài ra, Cục SHTT cũng có nhiều chương trình hỗ trợ như hội
thảo, chuyên đề, hướng dẫn trực tiếp, tập huấn cho các địa phương, doanh
nghiệp...
Cùng với hợp tác quốc tế về SHTT đang
có rất nhiều tiến triển, nhất là trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý. Từ trước đến
nay chưa có những dự án riêng về chỉ dẫn địa lý cho Việt Nam nhưng đến nay cũng
đã có những dự án riêng. Ví dụ, dự án của Cơ quan Phát triển Pháp vừa được hai
Chính phủ ký kết trong cuộc họp đối thoại cấp cao Việt Nam - Pháp lần thứ nhất
tại Hà Nội tháng 4.2013. Ngoài ra còn có các thỏa thuận hợp tác song phương
giữa Việt Nam - Pháp về SHTT…
Cộng đồng châu Âu cũng đã có những chương
trình riêng hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, quản lý các chỉ dẫn địa lý.
Mới đây, Cộng đồng châu Âu và Cục SHTT đã phối hợp tổ chức một số hội thảo với
nội dung tìm hiểu những quy định của bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Cộng đồng châu Âu,
kinh nghiệm của những nhà sản xuất, quy định của pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn
địa lý của Việt Nam, kinh nghiệm của các vùng, khu vực đã công nhận chỉ dẫn địa
lý của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột… Hoặc dự án của FAO
trong việc phát triển chỉ dẫn địa lý của 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái
Lan. Hay như dự án của Cơ quan phát triển Pháp trong việc phát triển chỉ dẫn
địa lý cho 2 sản phẩm là hạt điều Bình Phước và hạt tiêu Quảng Trị...
Nước mắm Phú Quốc đã được đăng kí bảo hộ tại
châu Âu
- Không thể phủ nhận việc đăng kí bảo
hộ chỉ dẫn địa lý có vai trò rất quan trọng đối với các sản phẩm hàng hóa. Tuy
nhiên, các nhà sản xuất, nhà quản lý hay hiệp hội các nhà sản xuất kinh doanh
cũng chưa thực sự quan tâm đến điều này….Ông có lời khuyên gì?
Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm có
thể đăng ký chỉ dẫn ở nước ngoài. Và đúng là các nhà sản xuất, nhà quản lý hay
hiệp hội các nhà sản xuất kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến điều này, vì các
sản phẩm của Việt Nam đang được xuất khẩu với hình thức nguyên liệu là chủ yếu
chứ chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh nên giá trị của sản phẩm chưa cao…
Thực tế, nếu những sản phẩm nông sản
đã được công nhận là chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và được bảo hộ tại nước ngoài
thì sẽ có giá trị xuất khẩu rất lớn và không bị “lấy mất” thương hiệu, tranh
chấp thương hiệu như một số sản phẩm của Việt Nam đang gặp phải. Và để đòi lại
các thương hiệu này thì phải theo kiện rất tốn kém và không biết kết quả ra sao.
Vì thế, ngoài sự trợ giúp của Nhà nước
cũng như của các cơ quan quản lý của Nhà nước về các thủ tục, hướng dẫn quy
định của pháp luật hay tập huấn, chương trình tìm hiểu, hướng dẫn địa phương để
triển khai việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng
phải có sự quan tâm để triển khai việc đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở
nước ngoài.
- Xin cảm ơn ông!