Nghiên cứu ứng dụng hoàn chỉnh quy trình sinh sản nhân tạo và sản xuất giống cá tra nghệ
Đó là đề tài của Trường đại học An Giang chủ trì và do thạc sĩ Vương Học Vinh làm chủ nhiệm, triển khai từ tháng 7 năm 2011 đến tháng 4 năm 2013. Kết quả đạt các thông số kỹ thuật: Hệ số thành thục cá cái 6 – 8%, tỉ lệ sống đối với cá 30 ngày tuổi đạt 30%, tỉ lệ cá cái tham gia sinh sản 90%, tỉ lệ sống cá giống đạt 20%, tỉ lệ thụ tinh đạt 70%, kích cỡ cá giống 6 – 8cm, tỉ lệ nở 70%.
Kiểm tra cá giống ương
Hoàn chỉnh quy trình sinh sản nhân
tạo và sản xuất giống cá tra nghệ, nghiên cứu
thành công thụ tinh và phát triển phôi của cá tra nghệ trong nước có độ mặn 3 và 5‰, là kết quả
có tính đột phá trong nghiên cứu, góp phần bổ sung một số dẫn liệu ban đầu có ý nghĩa trong sinh học sinh sản
không chỉ cho cá tra nghệ, mà còn đối với nhiều loài cá khác. Song song đó, còn đào tạo được 8 sinh viên
đại học (bảo vệ luận văn tốt nghiệp năm 2011 và 2012); nghiên cứu ứng dụng kết
quả của thí nghiệm ấp trứng cá trong nước có độ mặn 3 và 5‰ trên các
loài cá nước ngọt khác và sử dụng muối hột là nguyên liệu pha thành nước có độ
mặn thay cho nước ót để ương cá tra nghệ.
Có 3 đặc điểm bên ngoài có thể phân
biệt với cá da trơn khác là trên hai nắp mang của cá có hình rẻ quạt, vi lưng
cá có tia vi cứng luôn dựng thẳng đứng khi cá bơi và gai cứng trên vi ngực với
các tia gai nhỏ rất bén hướng từ ngoài vào trong gốc vi ngực. Thích nghi tốt ở
tầng giữa và tầng đáy, con nhỏ có tính ăn tạp thiên về động vật và khi trưởng
thành cá thay đổi tập tính dinh dưỡng từ ăn tạp thiên về động vật sang ăn tạp
thiên về thực vật. Quy trình sinh sản nhân tạo và sản xuất giống cá tra nghệ:
Hệ số thành thục cá tra nghệ cái (10,59% ± 2,18) tương đương với hệ số thành
thục của cá tra sinh sản ở An Giang. Kỹ thuật cho sinh sản của cá tra nghệ
giống như quy trình sinh sản nhân tạo cá tra nhưng vì kích thước đường kính
(size) trứng sinh sản của cá tra nghệ lớn hơn cá tra nên có những khác biệt,
như: Thời gian chích dẫn dài hơn từ 1 – 2 ngày và đặc biệt lưu ý trước khi
chích liều sơ bộ phải có bước kiểm tra lại tình trạng của trứng cá và chỉ khi
trứng cá đã chín hoàn toàn mới chích liều sơ bộ. Thời gian hiệu ứng của thuốc
sau khi chích liều quyết định dao động (7,2
giờ ± 1,04), thời gian cá nở từ 24 -29 giờ tương đương với cá tra. Tỉ lệ thụ
tinh và tỉ lệ nở trong nghiên cứu là (76,99 % ± 13,60) và (75,45 % ± 10,68). Có thể sử dụng một loại kích tố là HCG
trong quy trình sinh sản cá. Sử dụng Ovaprim trong thí nghiệm cho sinh sản cá
tra nghệ chưa cho kết quả khả quan.
Ương cá bột từ 1 – 15 ngày tuổi: Sử
dụng moina làm thức ăn cho cá bột là tốt nhất, cho tỉ lệ sống cao (95,5 %
±2,00). Mật độ ương 400 con/bể 0,5m3 cho kết quả tốt nhất. Ương cá hương từ 16 – 30 ngày tuổi: Tỉ lệ sống đạt từ 93% – 100%, tốc độ tăng
trưởng về khối lượng từ 0,0821 – 0,1113 g/ngày, tăng trưởng về chiều dài từ
0,1562 – 0,2003 cm/ngày tương đương với tốc độ tăng trưởng của cá tra. Khác với
quy trình của cá tra ương trực tiếp trong ao đất, ương cá tra nghệ cần có hai
giai đoạn: Giai đoạn 1 (ương từ cá bột lên cá hương trong bể composite, bể lót
bạt hoặc ương trong giai lưới đặt trong ao) và giai đoạn 2 (từ cá hương lên cá
giống ương trong ao).
Cá tra nghệ sinh sản nhân tạo.
Trứng cá tra nghệ có khả năng thụ tinh
và phát triển phôi trong nước có độ mặn 3 và 5‰. Kết quả có tính đột phá trong nghiên cứu, bổ sung một số dẫn liệu ban đầu có ý nghĩa trong sinh
học sinh sản không chỉ cho cá tra nghệ mà còn cho nhiều loài cá khác. Đây còn
là một gợi ý ứng dụng trong thực tiễn sản xuất giống để làm giảm sự phát triển
nấm thủy mi trong khâu ấp trứng. Ở giai đoạn cá bột và hương cá tra nghệ có thể
sống, phát triển ở các nồng độ muối: 0
‰, 3 ‰, 6 ‰, 9 ‰ và 12 ‰.
Trong đó, ở môi trường nước ương có nồng độ muối 6‰ cho tỉ lệ sống và
tăng trưởng cao. Giai đoạn cá từ 30 đến
60 ngày tuổi cá tra nghệ có thể thích nghi đến độ mặn 27 ‰. Ở giai đoạn 90 –
135 ngày tuổi cá tra nghệ có khả năng sống, thích nghi với sự
thay đổi tăng và giảm độ mặn trong các môi trường 0 ‰, đến 27 ‰. Với khả năng thích nghi biến động tăng và giảm về độ mặn từ 0 ‰ đến 27 ‰ cho thấy, cá tra nghệ là loài cá di cư. Có thể sử dụng muối hột pha
thành nước có độ mặn thay cho nước ót để ương cá tra nghệ.
Đề tài đã tổ chức thành công lớp tập huấn chuyển giao quy trình sản
xuất giống và ương cá tra nghệ cho 35 học viên (25 ngư dân, cơ sở sản xuất
giống thủy sản và 10 kỹ thuật viên trong tỉnh). Cá tra nghệ giống chuyển giao
cho ngư dân nuôi đang phát triển tốt. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc phát
triển con giống nuôi mới thích hợp ở các vùng nuôi ngọt, lợ và góp phần bảo tồn
nguồn lợi, đa dạng sinh học thủy sản.