Phân cấp độ bền đất và các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền cấu trúc đất của các nhóm đất chính vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
Nghiên cứu do tác giả Lê Văn Khoa (Phòng Quản lý Khoa học, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện, với mục tiêu phân hạng độ bền cấu trúc đất (SQ) và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển cấu trúc đất của các nhóm đất chính ở đồng bằng sông Cửu Long.
Độ bền cấu trúc đất được
đánh giá là một trong những thông số quan trọng chỉ thị cho chất lượng đất và
sức sản xuất của đất, có ảnh hưởng quyết định đến độ phì nhiêu vật lý đất và có
tác động đến độ phì nhiêu hóa và sinh học đất. Do đó, việc nghiên cứu đầy đủ về
cấu trúc đất và đặc biệt là độ bền cấu trúc đất trên các nhóm đất chính ở ĐBSCL
là rất cấp thiết, góp phần quản lý và sử dụng đất đai hợp lý theo hướng sản
xuất bền vững và là tài liệu rất hữu ích, bổ sung, phục vụ cho công tác giảng
dạy về thổ nhưỡng và bảo tồn tài nguyên đất trong các trường đại học và cao
đẳng tại Việt Nam.
Mười hai loại đất điển
hình thuộc các nhóm đất chính được chọn cho mục đích nghiên cứu. 240 mẫu đất
được lấy và phân tích các chỉ số độ bền cấu trúc đất và các đặc tính hóa lý đất
liên quan. Ngoài ra, còn kết hợp điều tra về lịch sử và hiện trạng canh tác với
120 phiếu điều tra nhằm đánh giá các mặt ảnh hưởng đến sự phát triển cấu trúc.
Kết quả nghiên cứu
cho thấy, độ bền cấu trúc đất của các nhóm đất chính ở ĐBSCL có gí trị khá biến
động, chỉ số độ bền kết cấu đất (SI) thay đổi 0,29 – 7,14 và chỉ số độ bền cấu
trúc đất (SQ) 25,47 – 567,57. Độ bền kết cấu đất của các nhóm đất chính có thể
phân cấp thành 3 mức độ: Thấp (<1), trung bình (1,0 – 1,3) và cao (>1,3)
và độ bền cấu trúc của các nhóm đất chính được phân cấp thành 3 mức độ tương
ứng: Thấp (<70), trung bình (70 – 110) và cao (>110). Chất hữu cơ và sa
cấu đất (sét) là hai yếu tố có tương quan chặt và ảnh hưởng đến độ bền kết cấu
và cấu trúc đất, trong đó chất hữu cơ đóng vai trò quyết định. Ca và CEC cũng
thể hiện mối tương quan thuận khi phân tích theo tầng đất phát sinh của phẫu
diện. Do đó, để cải thiện độ bền cấu trúc đất và tạo cho kết cấu đất phát triển
trong canh tác và sử dụng đất cần khuyến khích bón thêm phân hữu cơ cho đất và
luân canh với cây màu trên đất lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.