Sử dụng phân bón hợp lý cho cây khóm trồng trên đất phèn vùng đồng bằng sông Cửu Long: nghiên cứu tại xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu xác định lượng phân bón sử dụng hợp lý để góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất, nâng cao năng suất, hướng tới sản xuất khóm bền vững và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đề tài do nhóm tác giả La Thanh Toàn (trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Vĩnh Long) và Lê Văn Khoa (phòng Quản lý Khoa học, trường Đại học Cần Thơ) đồng thực hiện.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cây khóm hiện nay là cây
trồng đang phát triển mạnh tại huyện Gò Quao, vùng đất có diện tích đất phèn
chiếm tỷ lệ khoảng 18,09% tổng diện tích tự nhiên của huyện, thuộc vùng đất
trũng phèn bán đảo Cà Mau, chiếm diện tích lớn nhất trong 4 vùng đất phèn ở
đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đề tài được thực hiện
trong giai đoạn năm 2011 – 2012 trên vùng đất phèn hoạt động nặng điển hình tại
xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang thuộc vùng đất trũng phèn bán
đảo Cà Mau của ĐBSCL.
Thí nghiệm được tiến hành
bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 6 nghiệm thức và 3 lần lặp lại được
thực hiện trên 2 lô thí nghiệm độc lập. Số lượng lá khóm, chiều dài lá D, chiều
rộng lá D và năng suất khóm khi thu hoạch là các chỉ tiêu nông học được theo
dõi và phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy nghiệm thức bón phân theo khuyến
cáo 100 N – 90 P2O5 – 30 K2O kg/ha kết hợp với
phân hữu cơ trung lượng (0,5 tấn/ha) cho số lượng lá và chiều rộng lá D cao hơn
khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức khác và cây khóm đạt năng suất trung
bình từ 26-27 tấn/ha. Ngoài ra, nghiệm thức bón phân theo công thức của nông
dân (183 N - 98 P2O5 kg/ha) kết hợp bón thêm phân hữu cơ
trung lượng (0,5 tấn/ha) cũng cho năng suất cây khóm khá cao từ 26,8 – 27,53
tấn/ha.
Với kết quả nghiên cứu đạt
được, bón phân theo công thức khuyến cáo có kết hợp với phân hữu cơ trung lượng
nêu trên cần được khuyến khích áp dụng rộng rãi để cây khóm đạt năng suất tối
hảo và thu nhập của người dân được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã
hội địa phương. Kết quả có thể áp dụng được cho các vùng đất phèn có điều kiện
tương tự ở ĐBSCL.