SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sẽ có các tổ chức trung gian về định giá tài sản trí tuệ

[28/06/2013 09:17]

Định giá tài sản trí tuệ là một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, từ đó tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đây là hoạt động rất bình thường thường trong các cuộc mua, bán tài sản trí tuệ giữa nhà khoa học và nhà đầu tư của các nước nhưng lại là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này.

- Định giá tài sản trí tuệ là hoạt động còn khá mới mẻ ở Việt Nam, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang có những bước triển khai hoạt động này như thế nào?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Vấn đề định giá tài sản trí tuệ ngày nay đã trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn đối với các nhà lập pháp, hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô. Đinh giá tài sản trí tuệ tốt sẽ giúp cho việc ra quyết định phù hợp trong lĩnh vực bảo hộ, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Hiện nay ở Việt Nam, các công ty tư vấn luật vẫn tham gia định giá tài sản trí tuệ nhưng những vấn đề thuộc về phương pháp, cách thức định giá và những người định giá một cách khách quan và có chuyên môn, có nghiệp vụ thì Việt Nam đang rất thiếu. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng các văn bản, chính sách hướng dẫn cho việc định giá tài sản tuệ và khi xác định được các vấn đề, chúng ta sẽ hình thành các tổ chức trung gian, có chức năng làm nhiệm vụ đánh giá, xác định giá trị tài sản trí tuệ, giúp nhà khoa học yên tâm khi chuyển giao tài sản trí tuệ của mình và những nhà đầu tư yên tâm sẽ nhận được kết quả nghiên cứu xứng đáng với kinh phí mình bỏ ra. Đây là một hướng đi mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang chỉ đạo thực hiện.

- Vậy thực tế hiện nay ở Việt Nam các phương thức mua bán tài sản trí tuệ được dựa trên cơ sở nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Vấn đề định giá tài sản trí tuệ chưa được thực hiện nhiều tại Việt Nam. Phần định giá phụ thuộc lớn vào sự năng động của nhà khoa học và sự thỏa thuận giữa nhà khoa học và nhà đầu tư.

Hiện nay, việc mua bán, chuyển giao công nghệ đều là sự thỏa thuận giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Hai bên có thể đưa ra rất nhiều phương án, nên rất cần sự tư vấn của các tổ chức trung gian với phương pháp khoa học để định giá tài sản trí tuệ của nhà khoa học. Khi đó, nhà đầu tư cũng cảm thấy hài lòng khi mua được bí quyết công nghệ sát với giá trị thật, nhà khoa học cũng cảm thấy công sức, trí tuệ của mình được trả giá thỏa đáng.

Việc định giá tài sản trí tuệ sẽ góp phần quan trọng để phát triển thị trường chuyển giao công nghệ ở nước ta. Nếu không có công việc này sẽ gây nên sự ách tắc và là khó khăn lớn nhất bởi nhà khoa học sẽ không dám chuyển giao vì sợ thiệt thòi, các nhà đầu tư sẽ không dám mua vì sợ mua đắt, sợ đầu tư sẽ không hiệu quả. Nếu có những tổ chức trung gian có kiến thức thì hai bên sẽ có cơ hội gặp nhau và sớm có tiếng nói chung. Nếu chúng ta sớm xây dựng được tổ chức định giá sẽ giúp nhà khoa học và nhà đầu tư đi đến một điểm gần nhau hơn, tạo nên sự hài lòng cho cả hai bên.

- Vậy Thứ trưởng đánh giá như nào về nhân lực đánh giá và định giá tài sản trí tuệ hiện nay ở Việt Nam?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Hiện nay lực lượng hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, định giá tài sản trí tuệ ở Việt Nam còn ít. Một số công ty tư vấn luật đã bắt đầu thực hiện việc này nhưng ở các mảng khác dễ hơn như xây dựng, giao thông hay các vấn đề cụ thể… Với tài sản trí tuệ - thứ tài sản vô hình thì việc đánh giá phải dùng những phương án, kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã thực hiện và chắc chắn rằng chúng ta không thể đi ngoài quy luật đó. Không có nguyên mẫu, thước đo nào cho mỗi đợt chuyển giao công nghệ mà phụ thuộc vào phương pháp luận để tính toán một cách hợp lý. Vì vậy, cần dần dần tiếp thu kinh nghiệm và phương pháp của thế giới để đưa vào áp dụng tại Việt Nam một cách khoa học để phát triển trong thời gian tới.

Nguyên tắc của hoạt động này là các tổ chức dịch vụ, sẽ ra đời dựa trên hệ thống pháp luật do Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan xây dựng, tạo môi trường pháp lý cho các tổ chức đó hoạt động. Đó là những tổ chức tư vấn, dịch vụ hoạt động có lợi nhuận do các cá nhân, những người có tâm huyết thành lập./

Vietnam + (thkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ