Ứng dụng công nghệ bản đồ kỹ thuật số trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu phông Gamma môi trường, cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Sau 16 tháng triển khai thực hiện, ngày 26/6/2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Điều tra gamma môi trường (chiếu ngoài), hoạt độ các nhân phóng xạ trong môi trường tự nhiên và ảnh hưởng của các cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ứng dụng công nghệ bản đồ kỹ thuật số trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu” do KS Nguyễn Văn Mai-Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.
Luật Năng lượng Nguyên tử được Quốc hội ban hành có hiệu lực ngày
01/01/2009 với mục tiêu khai thác có hiệu quả cao các ứng dụng khoa học-kỹ
thuật hạt nhân hiện đại trong đời sống xã hội và tránh tối đa các nguy cơ xảy
ra sự cố nhất là các nguy cơ tai nạn sử dụng chúng với mục đích trái luật, phi
hòa bình. Ngoài ra, Luật Năng lượng Nguyên tử yêu cầu các cơ sở bức xạ
và địa phương cần phải lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân nhằm giảm tối
đa khả năng xảy ra cũng như giảm thiểu hậu quả mà các sự cố bức xạ hạt nhân gây
ra. Để có cơ sở đánh giá sự tác động bức xạ môi trường, và đề xuất các giải
pháp khắc phục và phòng ngừa các
hoạt động bức xạ chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn Nhà nước qui định. Ngày 01 tháng
11 năm 2011, UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định số 2442/QĐ-UBND cho phép
triển khai đề tài “Điều tra gamma môi trường (chiếu ngoài), hoạt độ các nhân
phóng xạ trong môi trường tự nhiên và ảnh hưởng của các cơ sở bức xạ trên địa
bàn tỉnh Bến Tre. Ứng dụng công nghệ bản đồ kỹ thuật số trong xây dựng và quản
lý cơ sở dữ liệu” do KS Nguyễn Văn Mai-Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh làm
chủ nhiệm.
Đề tài thực hiện với mục tiêu như sau: Xây dựng bản đồ kỹ thuật số nền
phông phóng xạ gamma môi trường (chiếu ngoài) trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Xác
định các nhân phóng xạ U-238, Th-232, Cs-137, K-40 trong đất, nước, thực vật
(lấy mẫu trên địa bàn tỉnh Bến Tre). Đánh giá ảnh hưởng của phông bức xạ tự
nhiên môi trường đến sức khỏe người dân tỉnh Bến Tre. Xây dựng cơ sở dữ liệu
bản đồ kỹ thuật số các cơ sở bức xạ (các phòng X-quang và Y học hạt nhân) trên
địa bàn tỉnh. Đề xuất một số giải pháp khắc phục và phòng ngừa các hoạt động
bức xạ chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn Nhà nước qui định. Đào tạo sử dụng và
chuyển giao kết quả khoa học cho 03 cán bộ kỹ thuật cho Trung tâm ứng dụng tiến
bộ KHCN và 01 CBQL thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Nhóm thực hiện đề tài có những đánh giá như sau: Nền phông phóng xạ môi
trường chủ yếu là trong đất, cát bề mặt trên toàn tỉnh ở mức độ bình thường,
không bị nhiễm bẩn bởi các tác động môi trường từ các tai nạn điện hạt nhân của
các nước trên thế giới hay do việc sử dụng các nguồn phóng xạ trong các lĩnh
vực y tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; không có điểm dị thường phóng xạ do
kiến tạo, cấu tạo của địa chất địa phương. Tình hình đảm bảo an toàn bức xạ
trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện tốt đáp ứng yêu cầu của Luật Năng
lượng Nguyên tử.
Trên kết quả nghiên cứu nhóm thực hiện đề tài đưa ra đề xuất sau:
- Công tác giám sát nền phông phóng xạ môi trường: tiếp tục thực hiện công
tác giám sát nền phông phóng xạ trên địa bàn tỉnh, tham gia vào chương trình
giám sát nền phông phóng xạ môi trường quốc gia nhằm được hỗ trợ xây dựng trạm
quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ thực hiện quan
trắc phóng xạ phải được đào tạo bài bản.
- Công tác an toàn bức xạ: cần thông tin tuyên truyền phổ biến các văn bản
pháp luật, nghị định chính phủ... đến người dân về an toàn bức xạ. Cán bộ bộ
phận an toàn bức xạ, hạt nhân phải được đào tạo bài bản chuyên sâu. Cán bộ an
toàn bức xạ và nhân viên bức xạ tại các cơ sở phải được đào tạo các kỹ thuật cơ
bản để đánh giá được tác động của các nguồn bức xạ, được đào tạo sử dụng và
được trang bị các thiết bị cần thiết như máy đo liều, liều kế cá nhân, áo chì
và các dụng cụ cần thiết khác nhằm làm giảm tác động của liều chiếu xạ do công
việc gây ra.
Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre (nthieu)