Hội thảo tính hiệu quả của liên kết trong sản xuất và trao chứng nhận VietGAP cho tổ hợp tác sản xuất sầu riêng xã Sơn Định
Ngày 28/6/2013, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách tổ chức Hội thảo tính hiệu quả của liên kết trong sản xuất và trao chứng nhận VietGAP cho Tổ liên kết sản xuất sầu riêng xã Sơn Định.
Đại diện Công ty Nho Nho
trao chứng nhận VietGAP cho đại diện tổ hợp tác sản xuất sầu riêng xã Sơn Định.
Huyện Chợ Lách hiện có 9.800 ha trồng
cây ăn trái với nhiều chủng loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, bưởi da xanh,
sầu riêng và măng cụt. Trong những năm qua, tại huyện Chợ Lách đã có nhiều
chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy hoạch thành nhiều vùng
sản xuất tập trung chuyên canh, xen canh hợp lý, tổ chức nghiên cứu ứng dụng
nhiều giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất. Góp phần nâng sản lượng trái cây
địa phương bình quân đạt 115.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của
nông dân còn nhiều bất cập, việc xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ rất hạn chế.
Nguyên nhân là do yêu cầu khắc khe về sản lượng, chất lượng và an toàn thực
phẩm. Do vậy, hình thành các nhóm liên kết gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn GAP
là một điều kiện tiên quyết và hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh
của mặt hàng trái cây trên thị trường.
Bởi khi tham gia nhóm liên kết sản
xuất theo hướng GAP, các nhà vườn sẽ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm canh tác
và được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng thương hiệu
nhằm tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm cho
người tiêu dùng.
Đối với tổ hợp tác sản xuất sầu riêng
Sơn Định theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập vào năm 2010. Tổ có 33 thành
viên, canh tác trên diện tích 14,35 ha, sản lượng dự kiến khoảng 360 tấn/năm.
Trong quá trình sản xuất, các tổ viên đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của quy
trình sản xuất VietGAP. Qua thẩm định, Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho Cần Thơ
đã chính thức cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho tổ hợp tác sản xuất sầu
riêng xã Sơn Định. Đây là chứng nhận VietGAP đầu tiên trên trái sầu riêng tại
đồng bằng sông Cửu Long.