SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng cao năng suất và giá trị cho dưa hấu

[13/07/2013 15:07]

Đề tài “Xây dựng mô hình trồng dưa hấu an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy làm chủ nhiệm được triển khai đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng của dưa hấu để cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người dân thu lợi nhuận nhiều hơn so với cách trồng thông thường.

Dưa hấu là một trong những loại hoa màu được nhiều người ưa chuộng trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ruộng lúa. Tuy nhiên, đầu ra chưa đảm bảo, nên người trồng dưa hấu chưa thật sự yên tâm và gắn bó với loại hoa màu này. Nhưng sau 2 năm triển khai thí điểm mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10ha với 15 hộ dân ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy tham gia, đã giúp người dân nơi đây làm quen với cách trồng mới, mang lại giá trị kinh tế cao. Điều quan trọng nhất là sản phẩm có đầu ra ổn định, thuận lợi, hạn chế được tình trạng giá cả bấp bênh. Vì vậy, tạo được lòng tin từ phía người dân.

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra và xây dựng mô hình theo cách truyền thống, xác thực, nên có độ tin cậy cao. Nghiên cứu đã giúp nông dân đạt chứng nhận VietGAP, ghi nhận công lao của những nông dân vất vả một nắng hai sương. Với kết quả thu được, không những giúp sản phẩm ổn định về đầu ra, mà còn nâng cao giá trị về mặt chất lượng. Vì vậy, đề tài có ý nghĩa không nhỏ trong việc phát triển mô hình trồng dưa hấu ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện mô hình, bà con nông dân được hỗ trợ giống, phân bón và được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước thay đổi thói quen canh tác bấy lâu để tạo dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, góp phần gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ vào quá trình sản xuất để cải thiện độ phì nhiêu, tăng độ xốp cho đất… Cho nên, dưa hấu đạt năng suất cao. Nhìn chung, trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nhiều quy trình, yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với cách trồng thông thường, nhưng có hiệu quả kinh tế mang lại, mọi người hết sức vui mừng và đồng thuận tham gia. Được biết, hiện nay, 10ha trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây được Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofam (Kiên Giang) bao tiêu, cho nên người dân yên tâm canh tác và rất phấn khởi vì giá bán cao hơn so với thị trường bên ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị nghiệm thu đề tài, TS. Trần Thị Kim Ba, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ các bước nghiên cứu của một đề tài khoa học, đã xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích mẫu đất và nước theo phương pháp chuẩn, do đó đề tài có tính xác thực cao. Kết quả mang lại của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân, góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì dưa hấu là loại trái cây ăn tươi, cho nên việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hết sức cần thiết. Không chỉ vậy, mô hình còn tạo được thương hiệu cho hợp tác xã trồng dưa hấu ở địa phương.

Kỹ sư Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, chủ nhiệm đề tài “Xây dựng mô hình trồng dưa hấu an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang”, cho biết: “Khi tham gia mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân đã thu được lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với cách trồng thông thường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí để duy trì hiệu quả tại hợp tác xã trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình ra toàn huyện”.

Báo Hâu Giang (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ