Ứng dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae trong việc trừ rầy nâu hại lúa
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) (thuộc Sở KH&CN) là đơn vị chủ trì thực hiện dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae trừ rầy nâu hại lúa tại 04 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm tỉnh Bến Tre” vừa được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu.
Bến Tre là tỉnh ở đồng bằng sông Cửu
Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Tuy nhiên, trong
những năm gần đây, dịch hại tấn công trên cây lúa ngày càng nhiều phổ biến là
rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá,… gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến
năng suất lúa, người dân bị thất thu đáng kể. Việc dùng thuốc hóa học để ngăn
chặn tình trạng trên làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Nền
kinh tế càng phát triển, nhu cầu con người càng cao, gạo là một loại lương thực
được sử dụng hàng ngày, việc tạo ra sản phẩm gạo sạch, an toàn, có giá trị kinh
tế cao là hết sức cần thiết.
Mục tiêu của dự án là chuyển giao công
nghệ sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae (M. a) cho một số nông hộ ở 4
huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh Bến Tre để quản lý rầy nâu, bệnh vàng
lùn-lùn xoắn lá một cách hiệu quả, bền vững; hình thành mạng lưới cộng đồng
tham gia nhân nuôi nấm có ích để phòng trừ dịch hại trên cây trồng.
Qua 18 tháng thực hiện, nhóm tác giả
đã tiến hành điều tra, khảo sát 240 hộ trồng lúa của 4 huyện: Ba Tri, Bình Đại,
Thạnh Phú, Giồng Trôm và đã xây dựng 12 mô hình trồng lúa ứng dụng nấm xanh M.a
trừ rầy nâu hại lúa với diện tích 24,8 ha. Kết quả khảo sát cho thấy, các mô
hình sử dụng nấm xanh M.a vừa kiểm soát được dịch rầy nâu, sâu cuốn lá đạt trên
80%, đồng thời giảm chi phí sử dụng thuốc hóa học trên 700 ngàn đồng/ha. Bên cạnh
đó, nhóm thực hiện còn kết hợp với Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư của các huyện,
khuyến nông viên các xã hướng dẫn bà con phun nấm và ghi số liệu theo dõi tình
hình rầy nâu và một số đối tượng gây hại khác. Ngoài ra, dự án đã sản xuất
khoảng 5.000 đĩa nấm nguồn phục vụ nhân nấm xanh, sản xuất và cung cấp gần 1
tấn nấm xanh thành phẩm để cung cấp cho người dân trong và ngoài dự án. Tổ chức
22 lớp tập huấn cho cán bộ và người dân trong việc nhân nhanh nấm xanh M.a,
hướng dẫn cách sử dụng nấm xanh M.a,… Việc ứng dụng nấm xanh M.a trong phòng
trừ sâu bệnh trên đồng ruộng là một giải pháp giúp người dân tiết kiệm chi phí
sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ sức khoẻ con người và môi
trường tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Hội đồng đã đánh giá cao và xếp loại
xuất sắc cho dự án. Tính mới của dự án là việc sử dụng nấm tươi trong phòng trừ
dịch hại và được chuyển giao công nghệ đến cộng đồng, sản phẩm dự án có khả
năng thương mại hóa. Dự án thành công không chỉ ứng dụng trên lúa mà còn nhân
rộng trên các loại cây trồng khác. Ngoài ra, Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực
hiện đánh giá thêm về chất lượng hạt gạo khi sử dụng nấm M.a trừ sâu hại; Phân
tích rõ hơn hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường, sử dụng nấm tác động tốt nhất ở
giai đoạn nào và có hiệu quả cao nhất đối với loại dịch hại nào. Từ đó đề xuất
thêm giải pháp để thương mại hóa sản phẩm.