SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mọt đục cành sầu riêng- Thành phần loài, khả năng gây hại, đặc tính sinh học và hiệu lực của một số thuốc tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang

[31/07/2013 14:58]

Đây là đề tài nghiên cứu của KS. Bành Ngọc Nghĩa, TS. Lê Hữu Hải và PGS. TS. Nguyễn Văn Huỳnh- Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- Đại học Cần Thơ thực hiện tại vùng trọng điểm trồng sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp huyện Cai Lậy (Tiền Giang) nhằm Điều tra tình hình gây hại; Khảo sát vòng đời và đặc điểm sinh học; Thử hiệu lực của một số thuốc trừ sâu sinh học và hóa học để trừ mọt đục cành.

Kết quả điều tra cho thấy, với hai giống sầu riêng được trồng phổ biến là Monthong và Ri-6 chiếm trên 90% diện tích, đa số nông dân cho rằng việc để cỏ, bón vôi và bón phân hữu cơ là rất cần thiết, nhưng sự nhận biết về mọt đục cành còn hạn chế. Chỉ có 44% nông dân nhận biết mọt, trong đó chỉ có 17 hộ (34%) nông dân cho rằng các triệu chứng trên thân, cành là do mọt gây ra; đa số nông dân cho rằng cây suy yếu là điều kiện thuận lợi để mọt tấn công.

Diễn biến tỷ lệ (%) cành, thân bị mọt tấn công đều thấp trên cả 3 vườn điều tra định kỳ hàng tháng trong năm: trong mùa nắng tỷ lệ này lần lượt là 2,93% số cành và 16% số thân, cao hơn trong mùa mưa lần lượt là 0,2% số cành và 4,7% số thân. Ngoài ra, số cây bị mọt gây hại trên thân có tương quan rất chặt với số cây bị bệnh xì mũ (r tổng =0,96%).
Trong quá trình điều tra, thu mẫu, đã phát hiện ra 5 loài mọt tấn công cây sầu riêng thuộc bộ Cánh Cứng (Coleoptera), gồm có Xyleborus similis Ferrari, Xyleborus fornicatus Eich. và Xyleborinus sp. của họ Scolytidae, Sinoxylon anale Lesne (Bostrychidae) và Platypus parallelus Fabricius (Platypodidae). Trong đó, hai loài mọt Xyleborus similis và Xyleborus fornicatus gây hại phổ biến trên thân và cành sầu riêng, còn hai loài Sinoxylon anale và Platypus parallelus được ghi nhận chỉ tấn công phần gỗ chết của cây sầu riêng.
Áp dụng môi trường nuôi bán nhân tạo của Mizuno et al. (2009) đã nuôi được hai loài mọt Xyleborus fornicatus và Xyleborus similis trong ống nghiệm qua 2-3 thế hệ, đồng thời bước đầu đã khảo sát được đặc điểm hình thái và sinh học của loài Xyleborus similis (màu đỏ, phổ biến nhất) trong điều kiện phòng thí nghiệm: giai đoạn trứng kéo dài 3,53 ± 0,5 ngày, ấu trùng phát triển qua 3 tuổi với thời gian là 9,94 ± 1,46 ngày, giai đoạn nhộng là 5,3 ± 0,74 ngày và tuổi thọ của con trưởng thành là 24,8 ± 3,8 ngày. Như vậy, vòng đời của loài mọt Xyleborus similis kéo dài trên 40 ngày, nhưng chưa biết được số trứng đẻ của một con cái. Đường đục trên cành là do con trưởng thành đục để sống, đẻ trứng và trồng nấm nuôi con. Vết đục là đường dẫn cho các loại nấm (như Phytophthora) xâm nhập và có thể gây ra chết cành.

Về biện pháp phòng trừ trước mắt bằng thuốc trừ sâu, kết quả thử nghiệm cho thấy ở điều kiện phòng thí nghiệm Vitashield Gold 600EC và Danitol-S 50EC có hiệu lực trừ mọt (Xyleborus similis) cao nhất 100% tại thời điểm 5 ngày sau khi phun thuốc. Ở điều kiện ngoài đồng, cả hai loại thuốc này cũng cho tỷ lệ mọt chết trên 80% tại thời điểm 5 ngày sau khi phun thuốc. Sản phẩm nấm trắng Bb-CT5 có hiệu quả trừ mọt (Xyleborus similis) thấp trong giai đoạn từ 1 đến 5 ngày trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới.

Sở KH&CN Tiền Giang (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ