Tiềm năng giảm thiểu biến đổi khí hậu của một số biện pháp canh tác lúa nước tại vùng đồng bằng sông Hồng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Mai Văn Trịnh, Trần Văn Thể (Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đồng thực hiện.
Ảnh minh họa
Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác
định các tiềm năng của các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH) cho
ngành trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng và tính toán hiệu quả chi phí cận
biên cho các giải pháp giảm phát thải, làm cơ sở khoa học cho việc kết nối giữa
người nông dân và thị trường các bon cho cơ chế phát triển sạch (CDM).
Nông nghiệp Việt Nam
ngày càng phát triển với sự phát triển của nhiều biện pháp canh tác mới và tiên
tiến, đồng thời các mức thâm canh cũng ngày càng cao hơn, thời kỳ nghỉ ngơi của
đất ngày càng bị rút ngắn lại, các loại phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật
được sử dụng ngày càng nhiều.
Nghiên cứu được tiến hành
trên dịa bàn xã Đồng Lạc, huyện Nam
Sách, tỉnh Hải Dương. Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí trên ruộng của nông dân
trong vụ lúa xuân và lúa mùa năm 2011 để so sánh các biện pháp canh tác giảm
thiểu BĐKH và các biện pháp canh tác truyền thống tương đương.
Thí nghiệm được bố trí gồm
8 công thức và 3 lần lặp lại (với 2 khối là canh tác truyền thống và canh tác
có giảm thiểu. Sinh trưởng và phát triển của lúa được theo dõi qua các thời kỳ.
Lấy mẫu khí và đo các chỉ tiêu khí mê tan (CH4) và ô xít ni tơ (N2O)
tại các thời điểm lúa đẻ nhánh rộ, phát triển đòng và trỗ. Hiệu quả kinh tế
được tính toán từ các quan trắc các hoạt động nông vụ của hộ nông dân từ khi
bắt đầu đến khi kết thúc màu vụ, đặc biệt là các hoạt động phát sinh khi áp
dụng các biện pháp giảm thiểu so với các biện pháp truyền thống. Đường cong giá
trị cận biên được thiết lập dựa trên việc xác định các lựa chọn giảm phát thải
dựa trên lượng khí thải giảm đi hàng năm và kết quả phân tích hiệu quả chi phí.
Kết quả nghiên cứu cho
thấy, áp dụng biện pháp giảm thiểu BĐKH không những giảm lượng nước tưới, tận
dụng được nguồn phế thải mà còn tăng năng suất cây trồng so với các biện pháp
canh tác truyền thống, trong đó, bón phân ử tăng năng suất nhiều nhất, tiếp
theo là bón thanh sinh học (TSH), tưới AWD và giống năng suất cao.
Phát thải khí nhà kính
(KNK) thay đổi mạnh từ 11933,1 kg CO2e/ha/vụ đến 14085,3 kg CO2e/ha/vụ
phụ thuộc vào từng biện pháp giảm thiểu. Phát thải KNK giảm đáng kể khi áp dụng
biện pháp tưới khô ướt xen kẽ, tiếp đến là bón phân ủ, bón TSH và giống năng
suất cao.
Giống năng suất cao vừa có
hiệu quả chi phí giảm thiểu, vừa có tiềm năng giảm thiểu cao. Bón than sinh học
mặc dù có hiệu quả chi phí giảm thiểu cao nhưng tiềm năng giảm thiểu không cao,
trong khi phân ủ có hiệu quả chi phí thấp hơn nhưng tiềm năng giảm thiểu lại
rất cao. Biện pháp tưới khô ướt xen kẽ có hiệu quả chi phí thấp, khả năng thu
hôi vốn chậm, do đó phải đầu tư lớn vào các công trình cơ sở hạ tầng tưới tiêu,
phạm vi áp dụng lại hạn chế và chỉ phù hợp cho các vùng có điều kiện tưới tiêu
tốt.