Sự phân bố của động vật đáy trên rạch Sang Trắng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ (2011), chất lượng nước mặt trên sông Hậu bị ô nhiễm chất hữu cơ với các thông số hóa học không đạt QCVN 08:2008/BTNMT và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Cống nước thải của KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2
đổ trực tiếp ra 2 bên bờ rạch Sang Trắng. Ảnh: Báo SGGP
Nước thải từ hai khu công nghiệp Trà Nóc I và
Trà Nóc II được xả trực tiếp vào sông, gây ô nhiễm hệ thống nước sông và kênh rạch
xung quanh. Trong đó, rạch Sang Trắng là là một trong những điểm nóng về sự ô
nhiễm môi trường nước.
Mặt dù có nhiều kết quả quan trắc về chất lượng
nước của hệ thống kênh rạch tại Cần Thơ nhưng chưa có kết quả nào sử dụng động
vật đáy để đánh giá sự ô nhiễm. Vì vậy, nghiên cứu sự phân bố của động vật đáy
trên rạch Sang Trắng được thực hiện nhằm tìm hiểu loại ô nhiễm nước mặt tại đây
thông qua sự phân bố của động vật đáy.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Dương Trí Dũng và
Huỳnh Thị Quỳnh Như – trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Việc khảo sát được tiến hành tại 14 điểm vào
lúc triều kiệt tháng 12/2011 và tháng 3/2012. Nhóm nghiên cứu tiến hành đánh
giá chỉ số đa dạng của động vật đáy Shannon – Weiner (H’) và chất lượng nước dựa
vào các chỉ số quan trắc sinh học BMWPVIET (Biological Monitoring
Working Party) và bảng mức độ ô nhiễm ASPT (Average Score Per Taxon).
Qua 2 đợt khảo sát, kết quả đã phát hiện 28
loài động vật đáy thuộc 15 họ, trong đó lớp Bivalvia và Gastropoda có số loài
nhiều nhất. Loài Limnodrilus hoffmeisteri
luôn xuất hiện với mật độ cao, nhất là cuối mùa mưa cho thấy tình trạng ô nhiễm
hữu cơ luôn diễn ra ở rạch Sang Trắng. 9/15 họ động vật được phát hiện có trong
hệ thống tính điểm BMWPVIET. Điểm số ASPT thấp thể hiện môi trường
trên rạch Sang Trắng bị ô nhiễm từ mức độ khá cho đến nặng.
Kỷ yếu HNKH: Môi trường, TNTN & BĐKH vùng ĐBSCL (3/2013)