Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình xử lý ô nhiễm từ khói lò than thiêu kết
Ngày 30/7/2013, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Công nghệ hóa học tổ chức hội thảo khoa học để đóng góp hoàn thiện các kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình xử lý ô nhiễm từ khói lò than thiêu kết” tại cơ sở của Ông Trần Văn Quang thuộc xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm.
Tham quan cơ sở than thiêu
kết của ông Trần Văn Quang-ấp 5, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm.
Việc sản xuất than thiêu kết từ gáo
dừa nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa đồng thời tạo công ăn
việc làm cho người dân nông thôn. Ở Bến Tre, các cơ sở sản xuất than thiêu kết
từ gáo dừa tập trung chủ yếu là Phong Nẫm, Lương Hòa, Lương Phú, Thạnh Phú Đông
(Giồng Trôm) trước đây người dân chưa áp dụng hoặc sử dụng các công nghệ xử lý
như: thải trực tiếp qua ống khói, rửa khí bằng nước, nhưng xử lý chưa triệt để,
chỉ giảm một phần các thành phần nặng như nhựa, hắc ín,… từ đó gây ảnh hưởng đến
sức khỏe của người dân trong khu vực. Trong xu hướng phát triển công nghệ hiện
nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Viện Công nghệ hóa học, trực
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên
cứu, hoàn thiện mô hình xử lý ô nhiễm từ khói lò than thiêu kết” nhằm giải
quyết được vấn đề về ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở ra
hướng mới cho việc tận thu nguồn nhiên liệu.
Đối với mô hình này, kết quả triển
khai thực tế cho thấy, thời gian vận hành lò khoảng 3 ngày theo quy trình sau:
ngày 1, bắt đầu nạp nguyên liệu lần 1 (khoảng 1,3 đến 1,5 tấn), sau đó mồi lò,
cho cháy tự do từ 45-60 phút; 30 phút sau mở bơm nước. Tiếp đến bịt cửa lò, bịt
cửa nạp liệu, mở quạt cấp khí, sau đó đốt khí khoảng 5 phút và tăng dần lượng khí
cấp, duy trì 4 giờ, ém lò (6-7 giờ), tắt quạt đóng kín lò và nghỉ qua đêm. Ngày
thứ 2, 3, mở cửa lò và tiếp tục nạp liệu lần 2 (1,7-1,8 tấn), mở quạt đốt khí
duy trì khoảng 8 giờ. Sau đó tắt quạt, thăm than và nạp liệu lần 3,4,5 sau đó
tiếp tục mở quạt, đốt khí duy trì thời gian 4 giờ. Tiếp theo là ém lò 6-7 giờ,
tắt quạt đóng kín lò nghỉ qua đêm. Sang ngày thứ tư ta có thể mở lò và ra than.
Chi phí đầu tư thiết bị cho mỗi lò đốt là 60 triệu đồng và thu hồi vốn sau 4
tháng đốt lò liên tục.
Kết quả của đề tài là đốt cháy hoàn
toàn khí thải. Khí thải sau khi đốt cháy đạt QCVN19:2009/BTNMT và QCVN
20:2009/BTNMT về khí thải. Đại biểu tham dự cho rằng công nghệ và hệ thống xử
lý của chủ nhiệm đề tài đã giải quyết được mục tiêu chính của đề tài là xây
dựng được mô hình xử lý ô nhiễm từ khói than thiêu kết đạt yêu cầu, giải quyết
được vấn đề ô nhiễm môi trường của nghề đốt than thiêu kết từ gáo dừa. Tuy
nhiên, để mô hình có khả năng nhân rộng mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài
thì cần cải tiến một số bộ phận trong hệ thống cho phù hợp, chọn lựa nguyên liệu
rẻ tiền để giảm chi phí. Đồng thời qua hội thảo các ngành chức năng cũng đề
xuất cần có quy hoạch làng nghề sản xuất than thiêu kết để tiết kiệm chi phí
đầu tư hệ thống xử lý và dễ kiểm soát ô nhiễm. Bên cạnh đó cũng cần triển khai
các mô hình giám sát cộng đồng để cộng đồng tham gia quản lý việc vận hành các
hệ thống xử lý khói thải từ các lò than thiêu kết đang tồn tại trong khu dân
cư. Kết luận hội thảo Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã yêu cầu chủ nhiệm đề tài
hoàn thiện lại công nghệ theo hướng an toàn, tiện lợi, chi phí đầu tư, chi phí
vận hành thấp và đảm bảo tuổi thọ của thiết bị, chất lượng và hiệu suất đầu ra
sản phẩm phải bằng hoặc cao hơn các lò đốt truyền thống kiểu cũ.