Thị trường Nhật chưa “rộng cửa” cho ngành thủy sản Việt
Nhật Bản là 1 trong những nước tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng tôm, đồng thời Việt Nam cũng là thị trường cung cấp thủy sản truyền thống của Nhật Bản. Nhưng không vì thế mà cánh cửa vào thị trường này dễ dàng, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe đang là cản trở của các doanh nghiệp, khiến cho cánh cửa xuất khẩu bị thu hẹp.
Theo khảo sát của Hiệp hội thực phẩm đông lạnh NB thì
trong năm 2012 thực phẩm thủy sản đông lạnh phục vụ nhu cầu của khối thương mại
NB đạt 886.137 tấn (tăng 2,5%), về kim ngạch đạt 370,3 tỷ Yên, bắt đầu tăng nhẹ
sau 5 năm (0,2%). Bên cạnh đó, nhu cầu của các hộ gia đình đạt 582.208 tấn
(tăng 5,2%), kim ngạch đạt 268,9 tỷ (tăng 3,3%), về khối lượng và kim ngạch đều
tăng kỷ lục trong 3 năm liên tục.
Với những con số trên có thể thấy nhu cầu về thủy sản
của người dân Nhật rất cao, đây là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu
thủy sản Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên VITV, ông Trương Đình Hòe, Phó
chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, mối
quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có khá lâu đồng thời tay nghề và sản phẩm
của Việt Nam đa dạng hơn, cho nên đây là yếu tố để các doanh nghiệp Việt Nam
khai thác, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn và tình hình các nước
gia tăng sản lượng trong năm nay.
Còn theo quan điểm của bà Bùi Thanh An, một cán bộ của
Bộ Công thương, thị trường Nhật là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản
phẩm Việt, đặc biệt là các sản phẩm như tôm, cá. Người tiêu dùng Nhật rất khó
tính, tuy nhiên cũng rất trung thành, nếu chúng ta xuất được và tạo niềm tin
cho họ thì họ sẽ là khách hàng trung thành của Việt Nam.
Hiện giờ hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất
khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tương đối ít, trong khi đó mặt hàng này rất
được thị trường Nhật Bản quan tâm, ví dụ như sản phẩm sẵn sàng để ăn hoặc sơ
chế qua có thể ăn được thì hầu như chúng ta còn bỏ ngõ mảng này.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 7/2013 ước đạt
592 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2013 ước đạt 3,41 tỷ
USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của xuất
khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm đến 20,5% tổng kim ngạch. 6 tháng đầu năm 2013,
kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt hơn 609 triệu USD, tăng 6%
so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản lại sụt giảm ở
các thị trường như: EU (giảm 7,8%), Nhật Bản (giảm 1,3%), Hàn Quốc (giảm
19,5%)... Nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó,
các quy định về kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu của Nhật Bản
và Hàn Quốc đang là rào cản khiến cho cánh cửa vào thị trường này bị thu hẹp.
Đây chỉ là 1 dấu hiệu nhỏ nhưng là 1 cảnh báo lớn cho các DN sản xuất thủy sản
trong nước, muốn xuất khẩu nhiều và thuận lợi vào thị trường mặt trời mọc này,
thì vấn đề an toàn thực phẩm là điều mà các DN xuất khẩu nên chú ý.
Ông Hiroaki Harushima, nguyên Giám đốc Hiệp hội kiểm
tra thực phẩm đông lạnh Nhật Bản cũng chia sẻ rằng, người Nhật rất thích tôm,
lượng tiêu thụ tôm của họ khá nhiều, nếu tôm Việt Nam giải quyết được vấn đề dư
lượng thuốc kháng sinh thì lượng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ tăng lên rất là
nhiều.
Các nước xuất khẩu thủy sản hiện không ít, chúng ta
đang phải cạnh tranh với các nước lân cận như Thái Lan, Indonexia, Ấn Độ,… trên
phân khúc thị phần thủy sản, cho nên không có doanh nghiệp này, thì có doanh
nghiệp khác, không có quốc gia này thì có quốc gia khác, nhưng uy tín, chất
lượng đó là điều không dễ gì có được.