Nghiệm thu đề tài NCKH cơ sở: “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”
Chiều ngày 22/8/2013, tại UBND huyện Thoại Sơn đã tổ chức buổi họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang” do ThS. Phạm Thị Kiều Oanh chủ nhiệm, Trạm Khuyến nông Thoại Sơn chủ trì.
Như chúng ta đã biết, phân
bón cùng một số giải pháp kỹ thuật có thể góp phần làm tăng năng suất cây
trồng, giảm áp lực lên tài nguyên đất và bảo vệ môi trường. Phân bón ngoài việc
cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng sinh trưởng và phát triển còn có tác
dụng cải tạo đất thông qua việc cây trồng trả lại các phụ phẩm sau khi thu
hoạch, nhất là cây họ đậu. Ở những vùng ven chân núi là đất cát, dễ bị rửa trôi
thì việc bố trí cây trồng thích hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân
là cần thiết.
Vì vậy, đề tài trên được
thực hiện từ tháng 9-2012 đến 8/2013 tại ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo, huyện
Thoại Sơn, An Giang với mục tiêu đánh giá sự ảnh hưởng, liều lượng bón phân
silic đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng đậu phộng. Thí nghiệm được bố trí
ở 11 nghiệm thức với 3 lần lặp lại (lô), diện tích mỗi lô là 300 m2,
liều lượng bón ở các nghiệm thức tương ứng là NT1 (ĐC, không bón); NT2 (50kg
SiO2/ha); NT3 (100kg SiO2/ha); NT4 (150kg SiO2/ha); NT5 (200kg SiO2/ha); NT6
(250kg SiO2/ha); NT7 (300kg SiO2/ha); NT8 (350kg SiO2/ha); NT9 (400kg SiO2/ha);
NT10 (450kg SiO2/ha); NT11 (500kg SiO2/ha).
Qua quá trình nghiên cứu,
đề tài đạt được một số kết quả sau:
-
Bón silic với liều 400kg/ha cho kết quả tốt nhất.
-
Số lượng nốt sần tăng thêm là 1,217 nốt/cây,
lượng nốt sần hữu hiệu là 1,154 nốt.
-
Số trái tăng thêm là 3,3 trái/cây và 2,3 trái
già/cây so với đối chứng.
-
Số hạt chắc/trái cũng tăng thêm 0,22 hạt/trái;
trọng lượng 100 trái và 100 hạt cũng tăng thêm lần lượt là 89,7g và 10,9g so
với nghiệm thức đối chứng.
-
Năng suất trung bình là 4,61 tấn/ha. Lợi nhuận
bình quân là 40,176 triệu đồng/ha.
Kết quả đề tài sẽ được
trạm Khuyến nông huyện khuyến cáo rộng rãi về hiệu quả của bón phân silic trên
đậu phộng ở vùng đất cát chân núi thị trấn Óc Eo.
Sau khi nghe Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết
quả nghiên cứu, các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn
của đề tài, đồng thời cũng có nhiều ý kiến góp ý cho Chủ nhiệm đề tài bổ sung,
chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo.
Kết quả đánh giá của Hội
đồng là: Đề tài đạt loại khá
và thống nhất cho nghiệm thu đề tài.