Hiệu quả từ dự án “Cải tiến thiết bị công nghệ xử lý nước sinh hoạt tại Bạc Liêu”
Nhằm giúp các đơn vị, trường học và hộ dân giảm chi phí trong việc sử dụng nước sinh hoạt, nhất là các hộ dân ở nông thôn chưa có nước sạch sinh hoạt, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh đã thực hiện dự án “Cải tiến thiết bị công nghệ xử lý nước sinh hoạt tại Bạc Liêu”. Từ đó, nhiều đơn vị, trường học và nhiều hộ dân có nước sạch để sinh hoạt, sử dụng.
Hộ dân trên địa bàn TP.
Bạc Liêu lắp đặt hệ thống nước lọc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh để
sử dụng trong sinh hoạt.
Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch
và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh hiện bị
ô nhiễm rất nặng, chất lượng và trữ lượng nước ngầm bị suy thoái nghiêm trọng.
Các khu vực ở các xã Định Thành, Tân Phong (huyện Giá Rai); Hưng Phú, thị trấn
Phước Long (huyện Phước Long)... nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn nặng, nhiều chỉ tiêu
về chất lượng nước không đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Sự ô nhiễm môi
trường nước gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Nguồn nước bị ô nhiễm làm người dân mắc các loại bệnh phổ biến như bệnh đường
ruột, phụ khoa, da liễu và cả ung thư. Ô nhiễm nguồn nước cũng làm cho công tác
xử lý cấp nước của nhà máy thêm khó khăn. Vì vậy, nâng cao chất lượng nước sinh
hoạt là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Từ dự án “Cải tiến thiết
bị công nghệ xử lý nước sinh hoạt tại Bạc Liêu”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN
tỉnh đã lắp đặt 20 bộ lọc nước ở các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế và
một số hộ dân ở các huyện, thành phố. Sau đó, lắp đặt 87 hệ thống lọc nước công
suất từ 0,5m3 - 5m3/giờ. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm đã lắp đặt 25 bộ
lọc nước công suất 0,5m3/giờ (dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi) và
8 bộ lọc nước công suất 2m3/giờ. Hệ thống nước lọc được lắp đặt ở các cơ quan,
đơn vị đều từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học.
Theo ông Tống Xuân Uy, Phó Giám đốc
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh: “Để phân tích mẫu nước trước và sau lọc
một cách khách quan, Phòng Quản lý khoa học cùng với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ
KH-CN tỉnh lấy mẫu nước tại 5 điểm triển khai dự án và gửi mẫu tới Chi cục Tiêu
chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Cà Mau phân tích. Kết quả cho thấy, hệ thống lọc
hoạt động ổn định. Đồng thời, các chỉ tiêu lý, hóa và vi sinh của nước sau khi
lọc đạt chất lượng tốt”.
Bà Thu Vân (phường 2, TP. Bạc Liêu) -
một trong những hộ dân được chọn lắp đặt hệ thống lọc nước - cho biết: “Chi phí
lắp đặt bộ lọc nước khoảng 8,5 triệu đồng. Từ khi lắp đặt hệ thống lọc nước,
gia đình tôi được sử dụng nước sạch. Song, nếu tính ra, giá thành mua nước sinh
hoạt sử dụng cao hơn gấp 2 lần so với việc lắp đặt bộ lọc nước này”.
Theo số liệu thống kê của Công ty Cấp
thoát nước và môi trường đô thị, nước sạch đáp ứng hơn 70% dân số nội ô thành
phố. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
còn rất thấp - khoảng 40%. Những hộ còn lại chủ yếu sử dụng nước mưa, nước ao,
sông, rạch… rồi đưa vào lắng, lọc sơ bộ để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Cho
nên, việc lắp đặt hệ thống lọc nước cung cấp cho hộ dân sử dụng là giải pháp
tối ưu khi hệ thống nước sạch chưa phủ kín toàn tỉnh.