SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cốc giấy: Dùng không đúng “trúng” độc hại

[07/09/2013 09:38]

Không nguồn gốc, không nhãn mác,.. cốc giấy trôi nổi trên thị trường vẫn bán khá “chạy”. Theo các chuyên gia, ngay cả khi sử dụng cốc giấy đảm báo chất lượng thì người tiêu dùng vẫn dễ “trúng” độc…

Nguy cơ nhiễm hóa chất

Dạo một vòng qua các chợ, siêu thị, sản phẩm cốc, bát, đĩa giấy được bày bán khá phổ biến với đủ kiểu dáng màu sắc, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do sự tiện lợi và giá cả phải chăng.

Theo người bán hàng tại một bách hóa trên đường chùa Bộc (Hà Nội), các loại cốc, đĩa giấy dùng một lần hiện được ưa chuộng vì sự thuận tiện, cốc giấy có 2 loại cốc lạnh và nóng. Cốc lạnh để đựng những đồ uống lạnh nên thường có tráng một lớp sáp bên trong để giữ cho giấy khỏi bị ẩm và bị mủn khi gặp nước.

Cốc nóng được thiết kế để đựng những đồ uống nóng như cà phê, trà hay sôcôla. Cốc nóng giúp giữ ấm đồ uống. Điều đáng nói thành phần không thể thiếu để tạo nên các sản phẩm này chính là nhựa có tác dụng chống thấm bên ngoài cốc. Nếu không được xử lý tốt, lớp nhựa này có thể bị chảy ra khi dùng cốc ở nhiệt độ cao.

Tuy vậy, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại cốc nhựa, cốc giấy trôi nổi, không rõ nguồn gốc nhãn mác được các hàng tạp hóa, hàng cơm bình dân, bún, miến... sử dụng la liệt để đựng đồ ăn, đặc biệt là nước canh, cafe nóng...

Tiến sĩ Nguyễn Gia Điền (Viện Hóa học) cho biết, việc sử dụng cốc giấy ở các nước tiên tiến đã trở thành phong cách tiêu dùng từ hàng chục năm nay. Cốc giấy có thể được dùng cho cả nước nóng và lạnh. Muốn vậy, nguyên liệu làm cốc phải đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng giấy, nhựa, phụ gia... Nếu quy trình sản xuất cũng như nguyên liệu đầu vào không đảm bảo, sự tiện lợi là không đáng kể so với những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Lớp tráng chống thấm không tốt chỉ chịu được một ngưỡng nhiệt độ nhất định, nếu dùng nước quá nóng, lớp polymer đó sẽ bị thôi ra, hòa lẫn vào đồ ăn thức uống đi vào cơ thể con người. Do đó, khi dùng các loại cốc nhựa, cốc giấy dùng một lần thì chỉ nên dùng của các hãng có uy tín, tuyệt đối tránh sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác.

Theo các kỹ sư Viện Hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, về nguyên tắc đơn vị sản xuất cốc giấy sẽ dùng nhựa PE, song ở Việt Nam loại nhựa mà nhiều doanh nghiệp sử dụng là PVC. Nếu quy trình gia công không đảm bảo chất lượng thì khi sử dụng, chất keo, nhựa và bột giấy bị bong ra lẫn vào đồ ăn uống, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn đối với loại cốc được làm từ giấy có trộn phụ gia chống thấm nước lại sử dụng keo chứa melamin, phenol..., là phụ gia chống thấm mạnh, có thể ngăn được nước. Bột giấy sẽ không tan trong nhiệt độ từ 40-70 độ C.

Tuy nhiên, nếu đổ nước đang sôi ở nhiệt độ 100 độ C vào cốc, bát khiến nhựa bị chảy ra tan vào đồ uống, thực phẩm. Bên cạnh đó, một số người còn dùng lại cốc, bát đĩa giấy nhiều dẫn đến nguy cơ nhiễm hóa chất.

Cốc giấy dùng một lần nhìn thì rất vệ sinh, thuận tiện nhưng nó có đạt tiêu chuẩn hay không thì thật khó nhận biết. Thường những chiếc cốc trắng tinh có thể đã được ngâm qua chất tẩy trắng, một yếu tố tiềm tàng gây ung thư. Còn những chiếc cốc mềm (biến dạng sau khi rót nước) hay bên trong cốc có nhiều bụi liti màu trắng… thì chắc chắn là hàng không nên dùng.

 Ngoài ra, cốc giấy để lâu sẽ có nguy cơ bị ẩm mốc tạo điều kiện thuận lợi để vi trùng, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Do vậy, khi sử dụng, bát đĩa, cốc giấy người tiêu dùng nên thận trọng lựa chọn những sản phẩm đã được kiểm định về chất lượng và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất...

Hàng trôi nổi “lên ngôi”

Với giá 10.000-15.000 đồng/20 chiếc, những chiếc cốc giấy bày la liệt ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) với nhiều màu sắc nhưng đều theo tiêu chí: hàng trôi nổi, không nguồn gốc. Người bán luôn khẳng định là hàng sản xuất trong nước, nhưng khi xem dưới đáy của một số loại cốc thì thấy in chữ “made in China” rất mờ.

Theo những người bán hàng tại đây thì loại cốc giấy hiện được các quán café vỉa hè, quán cơm tiêu thụ rất nhiều.  “Cũng có nhiều người mua về để sử dụng khi đi du lịch. Vì là đồ sử dụng một lần nên đa phần người mua chọn sản phẩm rẻ tiền, mẫu mã đẹp”, một người bán hàng cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến sự bất lợi cho sức khoẻ không chỉ ở các cơ sở sản xuất mà còn ở chính người tiêu dùng. Cốc, đĩa sau khi dùng một lần trông vẫn còn rất mới nên không ít người cất đi để dùng thêm một vài lần sau nữa, dẫn đến nguy cơ nhiễm hóa chất nguyên liệu của cốc đĩa giấy. Vì dùng đi dùng lại, bột giấy và các chất keo, nhựa, hóa chất thôi ra sẽ lẫn vào đồ ăn, đồ uống. Cốc giấy để lâu bị ẩm mốc cũng chính là ổ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh.

Không những thế, do ham rẻ, dùng hàng trôi nổi nên nhà sản xuất thường “quên” ghi hướng dẫn sử dụng. Vì vậy nhiều người tiêu dùng “vô tư” dùng cốc giấy chỉ dùng uống nước lạnh để đựng nước nóng, pha caffe, hoặc đựng nước canh nóng…

Chính vì vậy, chúng ta cần lưu ý, với cốc giấy, cốc nhựa mỏng, nhất là loại cốc không có nhãn mác, thì chỉ nên đựng nước lạnh, không nên dùng đựng nước nóng hay pha trà, café cần nước nóng. Thay vào đó, ta có thể sử dụng cốc sứ, cốc thủy tinh vừa bền vừa an toàn hơn.

Theo vietq.vn (H.Linh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ